Khu nhà xưởng ở bến Bình Đông: Từ tấp nập ‘trên bến dưới thuyền’ nay chỉ còn cảnh đìu hiu
(CLO) Khác với cảnh nhộn nhịp, tấp nập buôn bán như trước, bến Bình Đông giờ đây chỉ còn cảnh đìu hiu, cũ nát của khu nhà xưởng nổi tiếng một thời.
Nói về bến Bình Đông (quận 8, TP. HCM), người dân không thể không nhắc đến khu nhà xưởng xay xát lúa gạo, bột mì, đã từng nhộn nhịp một thời. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn số ít nhà máy hoạt động, trong hiện trạng cũ nát.

Bài liên quan
TP. HCM: Cận cảnh đời sống ‘khó tin’ của người dân ở bán đảo Thanh Đa
TP. HCM: Cận cảnh đoàn tàu metro số 1 lần đầu “lăn bánh”
Lễ hội ném cà chua độc đáo và hấp dẫn tại Tây Ban Nha
Độc đáo chợ “tôm bay” ở xứ Nghệ

Theo lịch sử được ghi chép lại, vào thế kỷ XVIII, một bộ phận người Hoa di cư từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến hai bên bờ của kênh Tàu Hủ. Họ buôn bán, lập nghiệp ở nơi đây khiến nơi đây trở nên sầm uất, nhộn nhịp và tạo tiền đề lập nên bến Bình Đông.

Đến thế kỷ XIX, bến Bình Đông chính thức được hình thành trong quá trình phát triển của đô thị ở Gia Định (Sài Gòn) cùng các bến nổi tiếng khác như: bến Hàm Tử, bến Bạch Đằng, bến Thành, bến Nghé… Nơi đây trở thành cửa ngõ thông thương của Sài Gòn với các tỉnh lân cận, đặc biệt là các tỉnh miền Tây của khu vực Nam Bộ.

Theo lời kể của người dân sống quanh đây, trước khi những nhà máy xay xát và nhà kho được xây dựng kiên cố, nơi này từng là nhà xưởng nhỏ của những thương nhân người Hoa đến lập nghiệp từ thế kỷ 19.

Khu nhà máy xay xát kết hợp nhà kho bến Bình Đông nằm dọc kênh Tàu Hủ được xây dựng từ trước năm 1975. Đầu những năm 1980, hoạt động thương mại tại đây diễn ra "trên bến dưới thuyền".

Qua dòng chảy của thời gian, khu vực nhà xưởng ngày càng xuống cấp, cũ nát, đồng thời không còn giữ được sự nhộn nhịp của việc sản xuất, thương mại như trước.

Thiết kế của khu nhà xưởng này có sự pha trộn giữa kiến trúc Đông - Tây với những mảng tường lớn được sơn màu vàng, cột gạch lớn, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi.

Tại đây, phần vách tường của các nhà máy đã bong tróc khá nhiều. Mái ngói cũng rỉ sét, không còn nguyên vẹn.

Một vài công trình mới đang được xây dựng trên nền nhà xưởng cũ.

Ông Tâm (60 tuổi, ngụ quận 8) cho biết, hiện khu nhà xưởng vẫn còn một số nhà máy, kho bãi hoạt động. Tuy nhiên, hạ tầng khu nhà xưởng đã xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù đã trải qua không ít lần nâng cấp sửa chữa.

Không dừng lại ở đó, với mức thu nhập ít ỏi chỉ đủ sống qua ngày, không ít công nhân bốc vác đã bỏ nghề.

Nhiều người dân che lều tạm để ở và làm nhiều nghề như sửa xe, hớt tóc, bán cây kiểng, cà phê, nhặt ve chai… cố gắng bám trụ phía bên ngoài các nhà xưởng.

Dọc con đường bến Bình Đông là nhiều người vô gia cư đang “tạm trú”. Ông Quang (58 tuổi) đến khu nhà kho dựng tạm một tiệm hớt tóc nhỏ từ 2 năm trước để hành nghề.

Cũng như những người vô gia cư khác, bản thân ông cũng chỉ tạm thời tìm đến đây để nương náu, chờ thời điểm thích hợp hoặc chính quyền yêu cầu rời đi.

Nhịp sống không quá ồn ào, vội vã, người dân vẫn cố gắng tân trang cho nơi này trở nên đẹp hơn.

