Triển lãm 'Gánh hàng rong' tại TP. HCM: Ký ức ùa về qua hàng nghìn tư liệu quý
(CLO) Tối 23/9, tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp – IDECAF (quận 1, TP. HCM) đã diễn ra triển lãm “Gánh hàng rong”. Được biết, triển lãm mở cửa từ ngày 23/9-5/11, vào cửa tự do.
Triển lãm “Gánh hàng rong” được tổ chức nhằm giới thiệu các phác thảo, tranh vẽ và màu nước do 15 sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương và Ferdinand de Fénis thực hiện trong giai đoạn 1925-1929.

Gánh phở rong trên đường phố. (Nguồn: TLS Pháp)
Bài liên quan
Triển lãm ảnh “Di sản Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam” và “Ảnh đẹp Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc”
Ấn định ngày ra mắt loạt xe mới tại triển lãm VMS
Triển lãm ảnh “Chợ trên Đá” quảng bá nét văn hóa vùng cực Bắc
Đắk Lắk: Khai mạc Triển lãm chuyên đề ‘Hà Giang - Điểm hẹn nơi Cực Bắc’

Những gánh hàng rong ngày ngày chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội (ngày nay đã sát nhập vào thủ đô) mà trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 100.000 dân nội đô.

Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại.

Các nghệ sĩ khắc họa một cách tinh tế thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố Hà Nội, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng…

Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại.

Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser (Tổng Lãnh sự Pháp tại TP. HCM) cho biết: “Đây là một dịp rất tốt để người Việt, đặc biệt là người trẻ có cơ hội tiếp cận với nguồn tư liệu dồi dào. Từ đó, họ sẽ có một cái nhìn bao quát, am hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và hướng đến tương lai tốt đẹp.

Theo ông Olivier Tessier (Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp), những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm là những tư liệu quý giá, phản ánh cuộc sống thường nhật của Hà Nội trước năm 1930.

Hơn 20.000 tư liệu đã được các chuyên gia phục hồi bằng kỹ thuật, công nghệ cao.

Tại đây, người tham dự cũng sẽ có dịp khám phá thêm những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ và đắm chìm trong không gian đầy hoài niệm của những con đường Hà Nội xưa qua phần âm thanh do nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh và các nghệ sỹ Đông Kinh Cổ Nhạc thực hiện.

Ngày nay, các phương thức di chuyển và các mặt hàng của những người bán bán hàng rong đã thay đổi.

Xe đạp dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao đã được hiện đại hóa để thích ứng với môi trường đô thị vô cùng náo nhiệt.

Người bán hàng sử dụng loa kết nối với máy ghi âm chạy bằng bình ắc quy nhỏ (tất cả được cố định trên khung xe đạp) để phát ra những tiếng rao đã được ghi âm sẵn chào mời khách mua hàng.

Những đôi quang gánh dần biến mất trên hè phố, những hình ảnh và âm thanh từng một thời là hồn cốt của Hà thành giờ chỉ còn là quá khứ.
