Để không còn những nỗi đau sau bão…
(NB&CL) Đã qua một tuần “siêu bão” Noru đổ bộ vào nước ta và nhờ có sự nỗ lực, chủ động của các cấp, các ngành, người dân trong phòng chống thiên tai, chúng ta đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Nhưng vẫn còn đó mất mát to lớn về người mà nguyên nhân đến từ sự chủ quan.
“Siêu bão” Noru dự báo rất mạnh nhưng thiệt hại thấp
Trong các cuộc họp ứng phó với bão Noru, cơ quan khí tượng thuỷ văn và phòng chống thiên tai đều thống nhất đây là “siêu bão” mạnh nhất 20 năm qua. Nhiều ý kiến còn so sánh cơn bão này với cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana 2009 từng gây thiệt hại nặng cho các tỉnh Trung bộ.

Thiệt hại ban đầu bởi bão Noru được giảm thiểu nhờ làm tốt công tác ứng phó. Ảnh: TL.
Thực tế khi vào Biển Đông, cơn bão này đã có sự thay đổi nhanh, liên tục và thời điểm đổ bộ vào nước ta cường độ bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14. Tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to; đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi, Kon Tum.
Mặc dù được đánh giá là “siêu bão”, tuy nhiên thiệt hại bước đầu do bão Noru gây ra được đánh giá là đã giảm thiểu ở mức tối đa nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại do bão Noru vào sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kết quả ứng phó bão khả quan và tích cực là điều rất đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.
Từ Sở Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho rằng, sự chỉ đạo chủ động liên tục của Chính phủ từ khi bão còn ở rất xa cũng như sự tin tưởng của nhân dân vào chính quyền là một trong những mấu chốt khiến việc ứng phó bão đạt kết quả tốt.
Bước đầu, TP. Đà Nẵng đã không có thiệt hại về người khi bão đổ bộ, một số ngôi nhà bị tốc mái, gần 2.000 cây xanh bị đổ; không có tàu thuyền nào hư hỏng nặng hoặc chìm. Các cơ quan chức năng đã tích cực thu dọn cây xanh bị đổ gãy, thực hiện vệ sinh môi trường, tập trung theo dõi, cảnh báo khu vực sạt lở để có những biện pháp kịp thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, bài học lớn nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở, gắn với bảo đảm tài sản. Việc phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng chống bão lụt, cũng như sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản đã giúp thành phố dù trong tâm bão đã giảm thiểu thiệt hại.
Về phía tỉnh Quảng Nam đã chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm, phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên.
Phối hợp với các lực lượng, đơn vị, tuyên truyền cho người dân bằng mọi phương tiện, hình thức, theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc đi vào vùng an toàn,… Do đó không có thiệt hại về người, thiệt hại nông nghiệp ở mức thấp, chỉ có 2 tàu bị chìm, 4 tàu trôi và mắc cạn khi neo đậu.

Bất chấp dòng nước chảy xiết, nhiều người dân vẫn lao xuống chân đập Cu Lây (Hà Tĩnh) để bắt cá. Ảnh: TL.
Vẫn còn những mất mát do ý thức, sự chủ quan
Bên cạnh những kết quả tích cực trong phòng chống bão Noru thì vẫn có thiệt hại về người và của mà cơn bão này gây ra. Đau xót hơn là những thiệt hại về người mà nguyên nhân tới từ ý thức chủ quan.
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, từ ngày 28/9 đến 13h ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 500mm.
Mưa lớn đã gây ra những thiệt hại về tài sản và khiến 7 người tử vong trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đáng chú ý trong đó có tới 4 trường hợp người dân đi bắt cá bị đuối nước gồm anh Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1984), anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984) tử vong do chuột rút khi đi bắt cá, anh Trần Hữu Đức (SN 1985) đi bắt cá bị đuối nước, ông Bùi Văn Thanh (SN 1964) đi đánh cá bị lật thuyền.
Hay vào khoảng 19h ngày 1/10, trong lúc đi vớt củi khu vực bờ sông Âm, một người đàn ông ở huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hoá) không may bị nước cuốn trôi.
Mặc dù Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có những cảnh báo và chính quyền, báo chí thường xuyên tuyên truyền tới người dân cần chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản, tránh chủ quan đi qua các ngầm tràn, đánh bắt cá, vớt củi trên sông,…
Nhưng do ý thức chủ quan và lợi ích nhỏ trước mắt mà nhiều người bất chấp nguy hiểm để rồi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của chính mình.
Từ ngày 27/9, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to. Bất chấp dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, nhiều người dân vẫn lao xuống chân đập Cu Lây, rượt đuổi nhau để vợt bắt những con cá nhảy qua khỏi đập tràn.
Dù chính quyền địa phương, đơn vị vận hành đập cảnh báo nguy hiểm song mỗi ngày vẫn có nhiều người đem theo “đồ nghề” như lưới, vợt, bao tải lao xuống dòng nước xiết để bắt cá.

Nhiều người vẫn cố tình đánh bắt cá, vớt củi trên sông,… trong mùa mưa lũ để rồi xảy ra những hậu quản đáng tiếc. Ảnh minh họa.
Nhiều người còn hồ hởi cho biết, mùa lũ cá tôm nhiều hơn ngày bình thường nên phải tranh thủ đánh bắt cá cải thiện bữa ăn gia đình và kiếm thêm thu nhập. Tuy biết đánh cá mùa lũ nguy hiểm nhưng đi được nhiều cá rồi cũng ham, đánh bắt nhiều rồi cũng thành quen.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 3/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 5 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng xảy ra bão, mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022.
Để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người do mưa bão thì bản thân mỗi người dân cũng cần tự nâng cao ý thức, chính quyền và cơ quan liên quan cần kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, không cho người dân cố ý vượt ngầm tràn khi nước lũ dâng cao, chảy siết, đánh bắt cá, vớt củi trên sông.
Bảo Ngọc