Bài toán đồng hồ ở phần thi tăng tốc Olympia năm thứ 22 giống bài toán trên mạng
(CLO) Hạn chế lớn nhất của chương trình Đường lên đỉnh Olympia chính là khâu ra đề thi khi đã sao chép không kiểm soát rất nhiều bài thi Toán học và IQ logic từ trên các trang mạng.
Ra đời từ năm 1999 cho đến nay với 22 năm tổ chức “Đường lên đỉnh Olympia” là cuộc thi có tuổi đời lâu nhất trong các Gameshow của truyền hình Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 22 năm “Đường lên đỉnh Olympia” đã đạt được nhiều thành công nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi nhiều cuộc thi đã gây tranh cãi giữa thí sinh, Ban tổ chức, Ban cố vấn và khán giả xem truyền hình.
Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của chương trình chính là khâu ra đề thi khi đã sao chép không kiểm soát rất nhiều bài thi Toán học và IQ logic từ trên các trang mạng nổi tiếng và sách báo nhưng không thay đổi dữ kiện.
Hệ lụy là không kiểm định được thí sinh chọn đáp án đúng các câu này là do trí tuệ xử lý tốt bài toán mới hay là do trí nhớ khi gặp lại bài toán quen biết.

Câu hỏi vòng thi tăng tốc trận chung kết năm thứ 22
Câu hỏi vòng thi tăng tốc trận chung kết năm thứ 22 tổ chức vào 2/10/2022 rất giống với bài toán đăng ngày 2/7/2019 trên kênh Youtube rất nổi tiếng của Presh Talwalkar một cựu sinh viên đại học Stanford.
Có thể thấy ở đây một văn minh tối thiểu được Presh Talwalkar thực hiện khi đã đặt tên tiêu đề clip là “What Time Is It? Puzzle From Russia” và trong clip trích dẫn nguồn bài toán sưu tầm là bài toán của Nga dành cho học sinh 13-14 tuổi do Egor Nazarov gửi đến.
Bài toán này sau đó cũng được một số website khác trên thế giới đăng tin vào năm 2020.
Câu hỏi vòng thi tăng tốc ở chung kết năm Gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 22 tổ chức vào 2/10/2022 giống với clip trên Youtube 2/7/2019
Bốn thí sinh: Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La ) và Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) đã vượt qua 140 đối thủ để tranh tài trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 tổ chức vào ngày 2/10/2022.
Trong phần thi tăng tốc các thí sinh trả lời 4 câu hỏi. Hình trên mô tả câu hỏi thứ 3 của vòng thi tăng tốc có nội dung sau đây:
Đề bài. Các kim đồng hồ đều chỉ đúng, nhầm lẫn duy nhất là chiều dài của ba kim đang bằng nhau. Hỏi kim nào là kim chỉ phút ?
Trong câu hỏi này Đình Tùng và Nguyên Vũ chọn đáp án C là đáp án đúng còn Nguyên Vũ và Anh Đức cùng chọn A là đáp án sai.
Đáp án của ban tổ chức: Nếu kim A và kim C là kim giờ thì không đúng vì khi chỉ tròn giờ như vậy thì kim phút và kim giây phải ở vị trí số 12, như vậy thì kim B sẽ là kim giờ.
Kim C không thể là kim phút vì kim C đang chỉ số 12 mà kim giờ đang chỉ giờ kém.
Vậy C là kim giây và A là kim phút.
Nhận xét: Từ lập luận trên ta suy ra thời gian đồng hồ chỉ là 4 giờ 50 phút.

Bài toán của Nga được Presh Talwalkar đăng trên Youtube
Hãy cùng xem hình vẽ và bài toán của Nga dành cho học sinh 13-14 tuổi được Presh Talwalkar đăng trên Youtube 2/7/2019.
Khi xem Clip đầy đủ ta có thể tóm lược đề bài trong Clip có nội dung như sau:
Đề bài. Một đồng hồ kỳ lạ không ghi số nhưng nó chạy đúng và độ dài của các kim giây, kim phút, kim giờ bằng nhau. Hỏi đồng hồ đang chỉ thời gian nào.
Đáp án: Nếu kim giờ chỉ đúng vạch dài thì kim phút và kim giây phải trùng nhau (và cùng chỉ vào số 12). Do ba kim ở 3 vị trí khác nhau nên kim không chỉ đúng vạch dài phải là kim giờ.
Hai kim còn lại là kim giây và kim phút đều chỉ vạch dài, nên kim giây phải chỉ số 12, suy ra kim phút chỉ số 10 hoặc số 2.
Nếu thứ tự ngược chiều kim đồng hồ là (kim giờ, kim phút 2, kim giây 12) thì kim giờ sẽ nằm trong khoảng (6,7) và phải gần vạch số 6 hơn số 7 (loại vì mâu thuẫn với hình vẽ). Từ đó thứ tự ngược chiều kim đồng hồ là (kim giờ, kim giây 12, kim phút 10) và kim giờ nằm trong khoảng (4,5). Khi đó đồng hồ chỉ 4 giờ 50 phút.

Đáp án bài toán của Nga
Có thể thấy, bài toán trên Youtube và bài trong Gameshow Đường lên đỉnh Olympia cùng có chung một gốc từ bài toán của Nga nên có chung một đáp số gốc là 4 giờ 50 phút.
Cái hay nhất bài toán của Nga hay bài trên Youtube là xác định vị trí 3 kim đồng hồ dài bằng nhau trên “mặt một đồng hồ câm” tức là đồng hồ chỉ thuần túy có các vạch dài, vạch ngắn mà không có số. Việc xác định thời gian chính là việc xác định các kim gắn liền với việc khôi phục các số ở trên mặt đồng hồ.
So với bài toán “8 bóng đèn đổi màu” ở vòng thi về đích đã copy y chang bài toán số 23 trên website hanoimoi.com.vn ngày 8/1/2017 thì với bài toán này ban tổ chức Olympia đã có công sức sáng tạo khi đánh thêm các số (3,6.9,12) để làm giảm bớt độ khó nhưng chính vì thế đã che bớt đi cái hay nhất bài toán của Nga.
Cũng cần chú ý câu hỏi “đồng hồ” vòng tăng tốc dễ hơn bài toán “8 bóng đèn đổi màu” ở vòng về đích nhưng có sự đổi chỗ giữa Đặng Lê Nguyên Vũ (Vô địch với 205 điểm) và Vũ Bùi Đình Tùng (xếp thứ tư với 35 điểm), bài “đồng hồ” dễ hơn Vũ không làm được còn Tùng làm được nhưng với bài Toán “8 bóng đèn đổi màu” khó hơn thì Vũ làm được còn Tùng lại không làm được!