Trao giải Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021
(CLO) Sáng ngày 8/10, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã diễn ra lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021. Năm nay, Ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 213 bài giảng trong đó có 12 giải Nhất.
Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 (Cuộc thi) do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Tiền thân là Cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng elearning do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức từ năm 2010, đây là lần thứ 5 Cuộc thi được tổ chức.

Quảng cảnh lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021.
Cuộc thi nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành GD&ĐT, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong giáo viên, nhà trường, đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhà giáo góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.
Đây là năm đầu tiên Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoàn toàn và các bài giảng lớp 1, lớp 2, lớp 6 được soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mặc dù vậy số lượng sản phẩm dự thi cao gấp nhiều lần các cuộc thi trước với 42.983 bài giảng (cuộc thi lần thứ 4 chỉ có khoảng 9.000 sản phẩm dự thi); số lượng sản phẩm soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chiếm 25%.
Ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 213 bài giảng. Trong đó, có 12 giải Nhất, 25 giải Nhì, 29 giải Ba, 40 giải Khuyến khích, 6 giải ý tưởng sáng tạo và 100 giải phong trào.
Ban tổ chức cũng đã lựa chọn được 2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước tại địa chỉ igiaoduc.vn.
Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu kho học liệu này, đáp ứng nhu cầu học tập không chỉ trong ngành GD&ĐT mà cho toàn xã hội cùng khai thác, sử dụng.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT, sau khi phát động cuộc thi trên phạm vi toàn quốc, đến ngày 11/11/2021, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 42.983 sản phẩm dự thi (trong đó: mầm non có 1.035 bài, tiểu học có 20.253 bài, THCS có 15.524 bài và THPT có 6.171 bài).
Sản phẩm bài giảng điện tử tập trung rất nhiều vào các môn học thuộc khối lớp 1, 2 và lớp 6 (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018) với 16.000 sản phẩm (chiếm 36%).
“Đây là một tín hiệu rất tích cực, góp phần triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trong ngành giáo dục” - ông Nguyễn Sơn Hải nhận định định.
Cũng theo ông Nguyễn Sơn Hải để đánh giá, thẩm định và xét giải thưởng, Bộ GD&ĐT đã thành lập các Hội đồng giám khảo, thành viên các hội đồng giám khảo gồm đội ngũ các chuyên gia giàu kinh nghiệm để tổ chức đánh giá, thẩm định chuyên môn và xét giải Cuộc thi.
Các tỉnh có số bài thi nhiều nhất Một số Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và nhiều nhà trường đã rất tích cực phát động, tổ chức, khuyến khích thầy cô giáo tham gia, đặc biệt Sở GD&ĐT Hà Nội (có gần 5.000 sản phẩm); TP HCM, Thái Bình (có gần 3.000 sản phẩm); Đà Nẵng (hơn 1.500 sản phẩm); Nghệ An, Đăk Lăk, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Bình, Lâm Đồng và Bắc Giang (gần 1.000 sản phẩm). |