'Lửa' vẫn cháy ở làng đúc lư đồng An Hội

08/10/2022 17:08

(CLO) Hỏi người đi đường về làng nghề An Hội (Gò Vấp, TP HCM), người ta vội lắc đầu, nói vội: "Cái tên này xưa rồi, là quá khứ thôi, giờ còn mấy hộ làm đâu". Tuy nhiên, khi được nhìn thấy những lò nung hôi hổi lửa, đủ để hiểu rằng sức sống của làng nghề này vẫn âm ỉ suốt trăm năm.

Từ hơn 50 cơ sở, nay chỉ còn 4

Hơn 6h, khi các hộ dân xung quanh vẫn còn say giấc, những người thợ ở các cơ sở đúc lư đồng tại quận Gò Vấp (TP HCM) đã rục rịch thức dậy, tranh thủ chuẩn bị nguyên liệu cho những chiếc lư đồng đầu tiên trong ngày. 

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 1

Bài liên quan

Làng nghề đúc lò bằng đất sét tại An Giang: Nỗi lo bị mai một

Về An Giang ghé thăm làng nghề nhang

Ghé thăm làng nghề đan đó 200 tuổi ở Hưng Yên

Khám phá làng nghề làm cốm mộc độc đáo ở Hà Nội

Theo hướng dẫn của người dân, phóng viên tìm đến cơ sở lư đồng Quốc Kiển - cơ sở lớn nhất trong số ít hộ dân theo nghề còn lại. Tại đây, mỗi người thợ chịu trách nhiệm một khâu, cứ xong khâu này lại chuyển tiếp sang cho người khác, tạo thành một vòng nhịp nhàng, chuyên nghiệp.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 2

Làng đúc lư đồng An Hội ra đời từ hàng trăm năm trước và nổi tiếng khắp Lục tỉnh Nam kỳ về độ tinh xảo trong từng sản phẩm đúc đồng.

Trò chuyện với anh Trần Duy Kha (28 tuổi, chủ cơ sở lư đồng Quốc Kiển) - thế hệ thứ 5 kế thừa sản nghiệp, ngành nghề truyền thống của gia đình, cho biết, gia đình anh đã theo nghề và gìn giữ được hơn 130 năm.

Nằm sâu trong hẻm ở quận Gò Vấp, cơ sở lư đồng Quốc Kiển là 1 trong 4 hộ còn theo đuổi nghề truyền thống. Tiếng búa đục gõ leng keng, tiếng máy khò lửa và hơi nóng từ lò nung đã trở thành nét đặc trưng của địa điểm này hàng trăm năm qua.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 3

Cứ mỗi buổi sáng, người dân sống quanh khu vực tại nghe thấy âm thanh quen thuộc từ búa đập, tiếng ghè, đục đẽo… vang lên dồn dập.

Được biết, một bộ lư An Hội hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân. Mặc cho cơ giới hóa giúp cuộc sống thay đổi, họ vẫn giữ vững truyền thống làm thủ công, hiếm có sự can thiệp của máy móc.

Vì thế, có thể nói công việc này dù trải qua gần 1 thế kỷ, người thợ vẫn phải chịu cảnh cực nhọc để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 4

Mỗi bộ lư cần phải có hơn 20 ngày mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

Sau khi nhận nguyên liệu, người thợ bắt đầu làm khuôn ruột bằng đất sét tốt, không lẫn cát. Loại đất đáp ứng yêu cầu này thường được đặt mua từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, đem cán nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu giã nhuyễn.

Thứ hai là công đoạn đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy - một công đoạn đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế ấy.  

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 5

Đúc khuôn sáp là công đoạn rất quan trọng.

Công đoạn thứ ba là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài khuôn sáp, loại đất này nhất thiết phải được rây thật mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt.

Sau đó khuôn được bó một lớp đất sét trộn trấu để làm lớp vỏ. Có thêm trấu, lớp đất áo bên ngoài sẽ chịu nhiệt tốt hơn.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 6

Do đã được phơi nắng nhiều ngày, người thợ không lo sản phẩm sản bị nứt khi nung.

Sau khi phơi khô khuôn (thường phải mất từ 7 đến 10 ngày), người ta cho đổ đồng đã nóng chảy vào (đồng chỉ được nấu vào ban đêm). Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn.

Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội. 

Về nguyên liệu làm lư đồng, ngoài đất sét, chủ cơ sở chia sẻ còn sử dụng thêm một số nguyên liệu khác như tro, trấu, đồng thau,… để hỗ trợ cho quá trình chế tác. 

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 7

Đất sét sẽ được lấy từ Bình Dương, Đồng Nai, vài năm một lần, mỗi lần cơ sở sẽ nhận khoảng 20 xe (một xe khoảng 7 tấn đất sét).

Lư đồng An Hội có 2 loại: loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5-6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 đến 15-20 triệu đồng/bộ, tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết rồng phụng, trúc mai, song long hay phúc lộc thọ…

Theo lời kể của anh Kha, khoảng trước năm 1975, là thời điểm làng đúc lư đồng An Hội (quận Gò Vấp, TP HCM) hưng thịnh nhất, với hàng chục hộ và hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Những tháng giáp Tết, tiếng đục, giũa nhộn nhịp khắp con đường. Những bộ lư An Hội có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, xuất sang cả Miến Điện, Campuchia, Lào,…

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 8

Nhân công thực hiện các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.

Về sau, sản xuất công nghiệp chiếm ưu thế, nghề đúc đồng thủ công bị lu mờ và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Giá đồng nguyên liệu tăng cao, thu lại không được bao nhiêu khiến nhiều chủ xưởng bỏ nghề. Những thế hệ trẻ sau này cũng không mấy ai muốn chọn công việc vất vả trong những lò lư đầy tro bụi.

Đến nay, An Hội là làng nghề đúc lư đồng duy nhất còn tồn tại ở TP HCM. Do không trụ được qua những khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh, không tìm được nhân công, nhiều cơ sở đã ngưng hoạt động. Thời hoàng kim, làng An Hội từng có hơn 50 theo nghề đúc đồng, nhưng nay chỉ còn 4 hộ (Ba Cồ, Hai Thắng, Quốc Kiển, Năm Toàn).

Ráng giữ nghề vì… thương thợ

Mặc cho sự phát triển của cơ giới hóa, các lò đúc đồng tại đây vẫn giữ vững tinh thần làm hoàn toàn bằng thủ công.

“Có rất nhiều cơ sở họ làm bằng máy, vừa tiết kiệm được nhân công, vừa làm ra nhiều sản phẩm. Nhưng sở hữu được những bộ lư đồng làm thủ công, người ta mới cảm nhận được giá trị to lớn của nó. Vì vậy lư đồng và các vật dụng thờ cúng bằng đồng ở đây có giá cao hơn, uy tín của An Hội khiến rất nhiều khách hàng phải lặn lội từ khắp nơi về mua”, anh Kha nói.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 9

Các chi tiết trên lư đồng được chạm khắc tinh tế.

Theo lời kể của anh Kha, ba của anh là ông Trần Quốc Kiển (hay còn gọi là Út Kiển), đã theo nghề hơn 40 năm.

Ngay từ nhỏ, ông Kiển mỗi ngày đều được vừa chơi vừa học nên đến khi được cha truyền nghề, ông  nắm bắt rất nhanh. Do là con Út trong nhà, gia đình nhỏ của ông Kiển được thừa hưởng hết gia sản của tổ tiên. Riêng một số thành viên còn lại, đã tách ra làm riêng hoặc làm nghề khác vì làm lư đồng khá vất vả.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 10

Riêng cơ sở lư đồng Quốc Kiển, đã tồn tại được hơn 130 năm.

“Lúc trước xưởng tôi có 30 người, nay nghỉ hết một nửa vì ảnh hưởng dịch bệnh, phần vì người ta không có thời gian, hàng bán ra cũng chậm nên lương bèo bọt. Nguyên vật liệu cũng tăng giá nên khó khăn lắm”, anh Kha nói.

Được biết, anh ruột của ông Kiển là nghệ nhân Hai Thắng - là chủ của một trong các cơ sở lư đồng còn sót lại, nay cũng đã “giải nghệ”, đến nơi khác sinh sống và làm việc.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 11

Không ít thợ đã bỏ nghề vì công việc vất vả.

“Nghỉ thì dễ, buông bỏ là xong nhưng chúng tôi không nghỉ được. Phần vì yêu nghề, phần vì thương thợ. Nếu nghỉ thì khó cho họ, tại ở đây có người làm 10 năm, có người 20, 30 năm cũng có, theo tổ tiên chúng tôi 2 đời luôn nên chúng tôi coi như anh em trong nhà”, ông Kiển tâm sự.

Thực tế, anh Việt (42 tuổi, nhân công ở cơ sở lư đồng Quốc Kiển) cho biết, anh đã theo nghề từ lúc còn là thanh niên. Nhìn đồng nghiệp dần nghỉ bớt, anh Việt lại quyết tâm bám trụ với nghề hơn, dù cho có vất vả, đổ nhiều mồ hôi, công sức.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 12

Không ít người thợ còn bám trụ vì yêu nghề.

Anh Việt nói đùa rằng: “Có gì đâu mà cực, nghề này chỉ ngồi một chỗ, có quạt mát, anh em ngồi xung quanh nói chuyện cả ngày. Có công ăn chuyện làm là vui rồi, hơn nữa có thể giữ được nghề truyền thống. Làm lâu rồi, giờ nghỉ thì nhớ nghề lắm”.

lua van chay o lang duc lu dong an hoi hinh 13

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng làm công việc này thêm khó khăn hơn, song vẫn không dập tắt được "lửa" nghề của người thợ.

Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lò lư đồng tại đây đều đang trên đà khôi phục sản xuất, nhưng cố lắm chỉ mới 60%. Giờ đây, ai nấy cũng đang trên nhịp phấn khởi, mong chờ đến Tết để hàng hóa xuất nhanh.

Được biết, vào mỗi dịp cận Tết, lò đúc đồng dần nhộn nhịp hơn, các đơn đặt hàng từ khắp nơi lại tới tấp, cả khách sỉ và khách lẻ từ Phú Quốc xa xôi hay miệt vườn miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang,… cũng tìm đến tận nơi đặt hàng lư đồng, bát nhang, chân đèn.

Thúy Vy