TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với quá nhiều rủi ro thể chế

12/10/2022 06:17

(CLO) Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, bên trong sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thì sự phát triển của doanh nghiệp từ nhỏ đến vừa và lớn rất chậm và sự phát triển của doanh nghiệp lớn rất bấp bênh.

Kể từ năm 1990 - khi có những doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tiên của Việt Nam xuất hiện, đến nay, ông đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân nước ta đã đến mức độ nào?

- Kinh tế tư nhân đã phát triển vượt bậc. Cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đang có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhiều triệu hộ kinh doanh. Khu vực này đóng góp khoảng hơn 50% GDP, khoảng 56% tổng đầu tư xã hội,

Hầu hết mặt hàng sử dụng nội địa và kim ngạch xuất khẩu là từ kinh tế tư nhân. Tất cả khoảng 40 tỷ xuất khẩu nông sản, nông sản chế biến là của tư nhân.

ts nguyen dinh cung doanh nghiep tu nhan doi mat voi qua nhieu rui ro the che hinh 1

TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhìn trên thực tiễn, những thương hiệu lớn, những sản phẩm lớn đều do doanh nghiệp tư nhân làm ra hay những khu đô thị mới, những thương hiệu mới, tạo ra những thay đổi lớn. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như dư lịch, thương mại,... đều do kinh tế tư nhân đóng vai trò chi phối.

Hàng chục tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã hình thành và đang phát triển, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế quốc gia nói chung, các địa phương nói riêng. Nhiều tỷ phú đô la xuất hiện.

Phần lớn các thương hiệu nổi danh trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng như TH TruthMilk, Vinamilk, Vinhome, Masan, Hoà phát, Sunworld, FPT, Vietjet .v.v.. đều của tư nhân;

Hầu hết các khu đô thị hiện đại, sang trọng đều do tư nhân đầu tư xây dựng. Tât cả các điểm đến du lịch nổi tiếng, được quốc tế vinh danh đều do tư nhân xây dựng và vận hành. Tầm vóc và năng lực của doanh nghiệp tư nhân là như vậy. Ta nhìn thấy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ở khắp mọi nơi với vị trí vai trò ngày càng đi lên

Doanh nhân Việt Nam được coi là chủ lực trong việc phát triển kinh tế và cả thay đổi cơ cấu kinh tế và phụng sự xã hội như thế nào?

- Doanh nghiệp tư nhân hiện diện và hoạt động trên mọi vùng, miền của đất nước, kể cả vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Doanh nghiệp tư nhân đã hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế, kể cả những ngành trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp Nhà nước, và Nhà nước mới có thể làm được, như: vận tải hàng không, sản xuất điện (thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời và các điện tái tạo khác), xây dựng và vận hành hệ thống chuyển tải điện, xây cảng, làm sân bay, luyện kim, làm đường cao tốc…

Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo việc làm và sinh kế (80% số việc làm cho người lao động là ở khu vực tư nhân) góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân…

Có hàng nghìn doanh nhận lập ra hàng nghìn doanh nghiệp xã hội và hàng chục nghìn doanh nghiệp kinh doanh tác động xã hội đang hoạt động hỗ trợ, tạo công ăn việc lảm cho các nhóm người yếu thế, các vùng kinh tế khó khăn.

Doanh nghiệp tư nhân cũng có mặt và đóng góp quan trọng trong các ngành đặc trưng công nghiệp 4.0 như công nghệ thông tin, thiết kế các software, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.v...v… Kinh tế tư nhân nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất và vẫn có xu hướng tăng lên.

Nhưng có một thực tế là doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, khó lớn, không lớn được còn một số lại không muốn lớn?

- Đúng vậy. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng bị hạn chế quá nhiều. Nếu như không có những hạn chế này doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nổi trội hơn nhiều.

Chúng ta thấy rõ, sự phát triển của doanh nghiệp từ nhỏ đến vừa và lớn rất chậm. Với doanh nghiệp lớn thì sự phát triển của họ rất bấp bênh.

ts nguyen dinh cung doanh nghiep tu nhan doi mat voi qua nhieu rui ro the che hinh 2

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng bị hạn chế quá nhiều.

Nguyên nhân do hạn chế nội tại của doanh nghiệp tư nhân có, do định kiến có, do chính sách và ứng xử chưa công bằng cũng có và do xã hội nhìn doanh nghiệp tư nhân bằng những hình ảnh chưa đẹp vì nhìn theo góc nhìn từ những thiểu số kinh doanh chụp giật, làm hàng giả hàng lậu, chiếm đoạt sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh… Từ đó, quan niệm xã hội đã đánh giá không công bằng về doanh nghiệp tư nhân.

Quản lý Nhà nước vẫn thiên về kiểm soát, nên có xu hướng ban hành nhiều quy định và tình trạng “rừng luật và luật rừng” đang đẩy doanh nghiệp, doanh nhân đối mặt với quá nhiều rủi ro thể chế, doanh nghiệp quy mô càng lớn, kinh doanh càng đa ngành thì nguy cơ rủi ro nói trên càng lớn.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, khu vực tư nhân chưa có được sự công bằng thực sự về tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai…

Đồng thời, đáng buồn là luật pháp và thể chế đang tạo cho doanh nghiệp tâm lý không đầu tư lớn, không cần áp dụng công nghệ mới, không đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bởi có muốn cũng không làm được. Ta khuyến khích khởi nghiệp, nhưng chưa có hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo. Đã vậy, khi đã khởi nghiệp, lớn hơn lên một chút là đối mặt với hệ thống quản lý Nhà nước phức tạp và đầy rủi ro. Nếu làm mà bị soi, bị nghi ngờ, thì sẽ chẳng muốn làm nữa.

Vậy ông mong chờ gì?

- Nền kinh tế Việt Nam muốn độc lập tự chủ và phát triển bền vững phải có đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững vàng và phải phát huy được hết sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam không thể vượt được bẫy thu nhập trung bình và sẽ kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp nếu khu vực kinh tế tư nhân không lớn được.

Và bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài sẽ không ở lại mãi nếu mình không tạo ra được sự hấp dẫn đầu tư khác. Nếu đầu tư nước ngoài giảm đi, mà doanh nghiệp Việt Nam chưa lớn để lấp vào khoảng mà FDI rút đi đó thì kinh tế Việt Nam sẽ có khoảng hổng lớn.

Vì vậy chúng ta cần có khu vực tư nhân khỏe, doanh nghiệp tư nhân lớn và rất cần có thêm nhiều tập đoàn tư nhân mạnh. Theo đó cần được xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn, lớn mạnh hơn.

Phải gỡ được nút thắt thứ nhất về thể chế làm cho doanh nghiệp tư nhân sợ lớn, không muốn lớn. Cũng phải tháo gỡ nút thắt thứ hai đang kìm hãm làm cho doanh nghiệp tư nhân muốn lớn cũng không lớn được. Cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nguyễn