Nga đề xuất giới hạn giá đối với LNG của Mỹ

15/10/2022 06:13

(CLO) Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Mỹ nên tự áp trần giá khí đốt vì khí đốt của nước này đang được chuyển đến châu Âu với giá cao gấp 4 lần so với giá tiêu thụ trong nước.

Hôm 12/10, các bộ trưởng năng lượng thuộc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc Hội nghị không chính thức với mục tiêu thảo thuận các cơ chế áp trần giá khí đốt để kiểm soát giá năng lượng tăng cao trong khu vực. Tuy nhiên, mặc dù hội nghị kết thúc , các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa đưa ra được quyết định nào về vấn đề này. Trong khi đó, Nga tiếp tục ra cảnh báo về nguồn cung năng lượng.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Alexander Novak nhận định: “Chúng tôi sẽ khuyên các đối tác Mỹ áp đặt một mức giá giới hạn nhất định cho các nguồn tài nguyên mà họ đang cung cấp cho châu Âu. Với tình hình này sẽ chỉ đẩy châu Âu tới tình trạng nghèo đói về năng lượng”.

nga de xuat gioi han gia doi voi lng cua my hinh 1

Khí đốt - câu chuyện kịch tính giữa Mỹ và Nga. Ảnh: Oilprice.

Sau khi bình luận về việc Mỹ đề xuất áp trần giá dầu thô của Nga, vị Phó Thủ tướng tái khẳng định lập trường của Nga rằng họ sẽ không cung cấp dầu thô và các sản phẩm tinh chế cho các quốc gia tham gia vào cơ chế do Mỹ và G7 khởi xướng, bất kể mức giới hạn đó có phải là 60 USD/thùng hay không. Đồng thời, ông cho rằng sẽ sẵn sàng làm việc với những người tiêu dùng theo các nguyên tắc thị trường.

Đầu tháng này, các đại sứ của Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận áp đặt một gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cấm vận chuyển hàng hải đối với dầu của Nga cho các nước bên thứ ba trừ khi dầu được bán thấp hơn hoặc ở mức giới hạn giá nhất định.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đang tìm cách cấu trúc một cách tiếp cận ba giai đoạn đối với các lệnh trừng phạt của G7 và giới hạn giá đối với dầu Nga để giữ cho dầu thô và các sản phẩm của Nga lưu thông — nhưng ở mức giá thấp hơn. Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất G7 trước tiên sẽ nhắm mục tiêu dầu thô của Nga, sau đó chuyển sang bao gồm dầu diesel trong giai đoạn thứ hai. Cuối cùng, các sản phẩm có giá trị thấp hơn, chẳng hạn như naphtha, sẽ là một phần của giai đoạn thứ ba.

Một số nước EU cũng đang thúc đẩy giới hạn giá khí đốt tự nhiên. Chẳng hạn, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã nói rằng EU có thể áp đặt giới hạn “mạnh mẽ” hơn đối với khí đốt của Nga và mức giá trần sẽ được áp linh hoạt đối với nhập khẩu LNG, điều này vẫn đủ cao để các nhà xuất khẩu LNG có động lực đưa khí đốt này sang châu Âu.

Áp trần khí đốt của Nga được xem là bài toán nan giải gây tranh cãi trong nội bộ Liên minh châu Âu. Trong khi một số nước như Italy, Ba Lan và Hy Lạp lên tiếng ủng hộ áp giá trần với khí đốt. Tuy nhiên, một số nước nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Nga - trong đó có Hungary, Slovakia và Áo lên tiếng phản đối giải pháp này vì lo ngại Nga sẽ cắt đứt dòng chảy khí đốt, khiến đất nước của họ rơi vào suy thoái.

Ngay bản thân Ủy ban Châu Âu (EC) cũng không mấy hào hứng với ý tưởng này, vì lo ngại Liên minh châu Âu sẽ mất lợi thế trước các nước sẵn sàng trả nhiều hơn để mua khí thiên nhiên hóa lỏng. Cho đến nay, Ủy ban châu Âu đã miễn cưỡng đề xuất một mức trần giá khí vì lo ngại rằng bằng cách cách này, các nhà xuất khẩu LNG sẽ đơn giản bỏ qua châu Âu và bán hàng hóa của họ cho khách hàng ở châu Á.

Lê Na (Theo Oilprice)

CTV