TS Nguyễn Đình Cung: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) vẫn mang dáng dấp của tư duy kinh tế kế hoạch hoá tập trung

23/10/2022 07:33

(CLO) Theo TS.Nguyễn Dình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn còn những định nghĩa khái niệm, định nghĩa khá mơ hồ trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và vẫn thấy bóng dáng của sự cài cắm lợi ích.

Từ những khái niệm còn mơ hồ

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 07 luật, trong đó có Luật Giá (sửa đổi).

TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương khá băn khoăn khi thấy trong dự thảo Luật Giá sửa đổi có các khái niệm, định nghĩa khá mơ hồ, và có phần không chính xác.

ts nguyen dinh cung du thao luat gia sua doi van mang dang dap cua tu duy kinh te ke hoach hoa tap trung hinh 1

TS Nguyễn Đình Cung góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh minh họa.

Theo ông, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa bảo đảm tính bao quát. Một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá chưa được quy định rõ, như: Tiêu chí cụ thể về hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

"Theo dự thảo luật viết: Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ trong giao dịch khách quan và độc lập được hình thành do các yếu tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.

Vậy, các yếu tố chi phối và vận động của thị trường là gì? Hay xác định “tại một thời điểm, địa điểm nhất định”. Thời điểm ở đây được xác định bằng gì, bằng giờ, bằng ngày hay đơn vị nào. Tương tự, “địa điểm nhất định” là tại một cửa hàng hay một góc phố, đường phố, làng, xã, phường…?", ông Cung đặt câu hỏi.

Với cách quy định như thế, theo ông Cung, trên thực tế có có thể có hàng ngàn giá thị trường, nhưng nó sẽ là một sự áp đặt chủ quan của công chức nhà nước có thẩm quyền.

Một khái niệm nữa, “mặt bằng giá thị trường”, được dự thảo luật giải thích: là mức giá bình quân của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một thời kỳ tại một không gian nhất định và được phản ánh bằng chỉ số giá tiêu dùng. “Đây cũng là một khái niệm mơ hồ không đo lường được”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó vẫn có khái niệm quá lạc hậu, mang dáng dấp của tư duy kinh tế kế hoạch hoá tập trung như cái hiểu khái niệm về yếu tố hình thành giá của dự thảo luật.

Cho là lạc hậu vì theo ông Cung: Giá cả là thể hiện điểm cân bằng cung cầu và bất chấp giá thành, vì nếu hàng hoá dồi dào, không khan hiếm, thì giá bán sẽ thấp. Ngược lại, hàng càng khan hiếm thì giá càng cao. Chính sự khan kiếm đó là phần thưởng, là động lực cho đổi mới sáng tạo, là động lực thúc đẩy đầu, áp dung khoa học công nghệ….

“Nếu chúng ta không thừa nhận mức độ khan hiếm như yếu tố quyết dịnh giá, thì không những chúng ta làm mất động lực (của giá cả) mà còn có thể suy diễn sai lệch coi bán gia cao như hiện tưởng khi hàng hoá khan hiém như một hình thức lừa đảo, trục lợi…tạo cơ hội cho cơ quan quản lý giá thực hiện thanh tra giá vô cớ và tạo dư luận xấu đối với các nhà tiên phong đổi mới sáng tạo”, ông Cung nêu ý kiến.

Ngoài ra, quy định thế này không thể áp dụng xác định giá của chứng khoán, giá đất đại, giá của vốn, giá lao động, giá của dự án đầu tư, giá doanh nghiệp.v.v…

Quy định thế này cũng loại trừ phương pháp định giá theo marginal cost…Trong thời đại 4.0 giá cả hàng hoá, nhất là dịch vụ được xác định theo thời gian thực, nó biến động liên tục, và có thể cả cá nhân hoá từng cá nhân người tiêu dùng.

Do đó, cách tiếp cận như dự thảo hoàn toàn không còn phù hợp với thực tế đã và đang liên tục thay đổi trong nền kinh tế thị trường ngày càng phức tạp và tinh vi và nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy. Một trong số hệ lụy đó là nguy cơ bị xử phạt hình sự vô cớ đối với nhiều người.

Đến bóng dáng “cài cắm”

Ông Cung cũng thấy hoang mang và mơ hồ trước nội dung về bình ổn giá trong dự thảo luật. Hoang mang vì thấy định nghĩa bình ổn giá ôm tất cả hàng hoá, dịch vụ mà không thấy mục tiêu của bình ổn. Cũng không thấy đo lường kết quả như ổn định được đo bằng gì, như thế nào? Ta có quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng giá xăng dầu có ổn định được đâu.

Ông Cung hoàn toàn đồng ý với dự thảo luật khi bỏ hiệp thương giá, vì công cụ này không rõ mục tiêu quản lý, và nền kinh tế và thị trường ở nước ta đã khá phát triển, các doanh nghiệp có đủ công cụ, cách thức và hình thức để thoả thuận được giá mua và bán Nhà nước không cần can thiệp.

Nguyên tắc quản lý giá trong dự thảo cũng quá ôm đồm. Nên phải gom và khu trú lại phạm vị “giá” nhà nước quản lý. Nguyên tắc đầu tiên là người bán và người mua tự do định giá và thoả thuận về giá mua, bán; trừ các loại giá có sự quản lý của nhà nước.

Cũng theo dự thảo luật này thì quản lý nhà nước quá ôm đồm, mơ hồ và có biểu hiện cài cắm quyền lợi của cơ quan soạn thảo. Đơn cử như trong Khoản 10 của Điều 14 là sự cài cắm quá rõ lợi ích của cơ quan quản lý nhà nước (trực tiếp là Cục quản lý giá (Bộ tài chính). Đây cũng là kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” vừa bàn hành quy định quản lý, vừa thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ…..Việc đào tạo nên để các trường thực hiện.

Liên quan đến thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá, nên thu hẹp phạm vi, và không viết chung chung và quá rộng, vì như thế dẫn tới lạm dụng quyền quản lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiêp.

Và phải quy định rõ, lúc nào và với mặt hàng nào thì áp giá cố định, mặt hàng nào thì áp giá sàn, và mặt hàng nào thì giá sàn? Không nói chung chung.

Nếu theo dự thảo luật, sẽ có nguy cơ có sự can thiệp duy ý chí, can thiệp chủ quan của Nhà nước rất lớn và sẽ gây méo mó thị trường.

Vì thế ông Cung đề nghị, các tỉnh muốn kiến nghị hàng hoá bình ổn giá, thì phải chứng minh được hàng hoá đó là thiết yếu, và phải đánh giá tác động toàn diện của giá hàng hoá đó đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Luật cần xác định mức độ biến động giá đến mức nào thì mới sử dụng giải pháp bình ổn giá, và phải xác định luôn mức độ biến động, ví dụ +-10 hay 20% so với ở thời điểm đó.

Ông Cung kỳ vọng Luật giá (sửa đổi) được ban hành sẽ khắc phục được tồn tại, thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan, thể chế đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Hà Nguyễn