Gia Lai: Cán bộ quản lý bảo vệ rừng đua nhau nghỉ việc, rừng tự nhiên đứng trước nguy cơ bị tàn phá
(CLO) Lương bổng thấp, chế độ chính sách hỗ trợ chưa tương xứng với công sức bỏ ra, áp lực công việc nặng nề khiến nhiều cán bộ quản lý, nhân viên bảo vệ rừng ở Gia Lai tiếp tục viết đơn xin nghỉ việc. Thực trạng này đang khiến hàng nghìn ha rừng tự nhiên đứng trước nguy cơ bị tàn phá, xâm hại.
Đua nhau nghỉ việc
Thực trạng này đã và đang diễn ra tại các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Một trong những ban có số lượng cán bộ quản lý, nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc tương đối lớn là Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai). Theo đó, chưa đầy 1 năm, đơn vị này đã có đến 5 người viết đơn xin nghỉ việc.
Lý do chủ yếu là áp lực công việc, trách nhiệm nặng nề, lương thấp… Bên cạnh đó, diện tích rừng được giao quản lý lớn, địa hình phức tạp hiểm trở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ và phương tiện hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ còn nhiều thiếu thốn…

Chưa đầy 1 năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur đã có 5 người viết đơn xin nghỉ việc, trong đó có cả Trưởng ban
Chia sẻ với PV, anh Chu Khánh Hữu (nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur) trải lòng: “Nghề này dường như không phân biệt ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày thường. Mọi thời điểm đều phải “trực chiến”, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Áp lực công việc lớn, trách nhiệm nặng nề tuy nhiên lương thấp khiến nhiều anh em cũng nản dẫn đến việc nộp đơn xin thôi việc".
"Hiện tại lương của mình gần 6 triệu đồng/tháng, tuy nhiên trừ hết chi phí đi lại, ăn ở một tháng may mắn lắm cũng chỉ tiết kiệm được 1 - 2 triệu gửi về cho vợ con… Cũng bởi do tính chất công việc, tất cả mọi việc lớn bé ở nhà cùng với việc chăm sóc con cái đều do một mình vợ đảm đương”, anh Hữu nói.
“Diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ khá lớn song không có công cụ hỗ trợ, khi phát hiện sự việc chúng tôi chỉ được lập biên bản thông báo đến các lực lượng chức năng, không có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng nghèo còn khó khăn bởi có nhiều đường mòn lối mở, đường sá đi lại khó khăn. Chúng tôi luôn mong muốn có thêm chế độ đãi ngộ phù hợp, tương xứng với công sức anh em bỏ ra”, anh Hữu bộc bạch.

Nguyên nhân khiến cán bộ quản lý bảo vệ rừng không thể trụ nổi với nghề là áp lực công việc, trách nhiệm nặng nề, lương thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn
Tương tự anh Hữu, anh Lê Văn Tươm ( SN 1986, trú tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) cũng được giao quản lý 2 tiểu khu hơn 2.000 ha. Dù diện tích rừng được giao bảo vệ khá lớn song cũng không được trang bị công cụ hỗ trợ khiến anh Tươm gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Áp lực công việc khiến anh Tươm nhiều lần có ý định nghỉ việc tuy nhiên vì miếng cơm manh áo, anh đành gắng gượng trụ lại vì gia đình, vợ con… và vì trách nhiệm với nghề.
“Ghế nóng” giữ rừng không ai dám ngồi, hàng nghìn ha rừng đứng trước nguy cơ bị tàn phá
Không chỉ các nhân viên đua nhau xin nghỉ việc mà ông Đinh Văn Khẩn - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cũng không trụ nổi trên chiếc “ghế nóng” giữ rừng. Mới đây, ông Khẩn cũng đã viết đơn xin nghỉ việc.

Diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ khá lớn nhưng nhân viên ban quản lý rừng lại không có công cụ hỗ trợ, không có chế tài xử lý
Ông Hoàng Vĩnh Thuận, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cho biết: “Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur được giao quản lý 10.300 ha gồm rừng khộp, rừng nghèo kiệt rụng lá, rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Từ đầu năm đến nay có đến 5 cán bộ, nhân viên viết đơn xin nghỉ việc. Lý do chủ yếu là áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, chế độ đãi ngộ thấp, địa bàn quản lý rộng không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ rừng là rất lớn, để xảy ra vi phạm sẽ bị kỷ luật ngay…”.
Bên cạnh việc lương bổng thấp, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc của lực lượng bảo vệ rừng cũng tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro rất cao. Để bảo vệ những cánh rừng già, lực lượng bảo vệ rừng phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm, đặc biệt là sự liều lĩnh chống trả của các đối tượng “lâm tặc”. Các đối tượng này sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, hung khí tấn công lực lượng bảo vệ rừng.

Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Muer còn nhiều thiếu thốn, hành trang của cán bộ bảo vệ rừng đơn giản là chiếc võng và một vài nhu yếu phẩm cần thiết
Theo đó, mới đây vào tháng 4/2022 tổ công tác Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer tổ chức tuần tra bảo vệ rừng tại xã Ia Mơ. Lúc này, lực lượng chức năng phát hiện H.X.N (42 tuổi) cùng với vợ là N.T.H.N (26 tuổi, đều ngụ xã Ia Ga, huyện Chư Prông) đang sử dụng máy phát cỏ để phát cây bụi, cây rừng tái sinh tại khu rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer quản lý.
Tại đây, tổ công tác yêu cầu 2 người trên dừng việc phát rừng. Tuy nhiên, N. cho biết phát dọn thuê cho N.X.H. (ngụ tại xã Ia Mơ) với số tiền là 1 triệu đồng. N. còn gọi điện thông báo cho H. biết sự việc.
Sau đó, ông H. cùng vợ đến chửi bới, nhục mạ tổ tuần tra, đe doạ giết cả gia đình cán bộ bảo vệ rừng. Chưa dừng lại, ông H. còn dùng cây tấn công lực lượng bảo vệ rừng, đánh vào đầu ông L.T. T (cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer) gây thương tích.

Hàng nghìn ha rừng tự nhiên ở Gia Lai đứng trước nguy cơ bị tàn phá do thiếu lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng
Hàng loạt cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng liên tục viết đơn xin nghỉ việc khiến hàng nghìn ha rừng tự nhiên đứng trước nguy cơ bị tàn phá. Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Gia Lai đã phát hiện 169 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tổng khối lượng gỗ bị “xẻ thịt” là 271,9m3.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Để níu chân người tài, thu hút đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách…”.
Bài và ảnh: Trần Hiền