Cần giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phòng ngừa rửa tiền

01/11/2022 16:19

(CLO) Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung cho rằng, cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phòng ngừa rửa tiền, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng bong bóng.

Bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công

Góp ý tại phiên thảo luận của Quốc hội liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) ngày 1/11, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, bởi vì đầu tư bất động sản tương đối thuận lợi và thủ tục đơn giản hơn khi tham gia thị trường.

can giam sat chat che dong tien tham gia dau gia quyen su dung dat de phong ngua rua tien hinh 1

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Theo bà Chung, các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản hoặc trực tiếp giữa người mua và người bán. Việc thanh toán thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nên rất khó kiểm tra, xác minh nguồn gốc của tiền.

"Thực tế cho thấy, việc thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam khá phổ biến. Giao dịch không qua sàn giao dịch chiếm số lượng lớn và giá trị các giao dịch cao. Qua đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng, cho bất động sản", đại biểu đoàn Nghệ An nêu.

Chính vì vậy, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.

can giam sat chat che dong tien tham gia dau gia quyen su dung dat de phong ngua rua tien hinh 2

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, bà Thái Thị An Chung đề nghị: Một là, bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua, bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước thực hiện việc giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân có thu tiền sử dụng đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá.

"Nhiều năm gần đây hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, do đó cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phòng ngừa rửa tiền, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng bong bóng", bà Chung nhấn mạnh.

Hai là, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo luật. Đó là, khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày; khách hàng mua, bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần (nhiều ở đây có thể từ 2 hoặc 5 trở lên do Chính phủ quy định) kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tăng một cách bất thường.

Ba là, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 53, đó là chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Cùng với việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền thì đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, việc sửa đổi Điều 16 và Điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 63 của dự thảo luật một khoản với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 16 và Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản số 66 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014.

can giam sat chat che dong tien tham gia dau gia quyen su dung dat de phong ngua rua tien hinh 3

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

Cần tiếp tục nghiên cứu các quy định về phương thức thanh toán giao dịch bất động sản

Cũng góp ý liên quan đến nội dung nêu trên vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cho biết, hiện nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực có tiềm ẩn nguy cơ về rửa tiền cao. Các giao dịch bất động sản thường có giá trị lớn, hệ thống thông tin để có thể truy xét về nguồn gốc, quá trình giao dịch chưa đầy đủ, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, tại dự thảo luật hiện nay đưa ra những biện pháp phòng ngừa rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như: Đối tượng báo cáo là các tổ chức kinh doanh bất động sản, các tổ chức công chứng, luật sư là những tổ chức, cá nhân tham gia thường xuyên vào quá trình giao dịch bất động sản thông qua các hoạt động tư vấn, công chứng, chứng thực hợp đồng;

Giao dịch phải thực hiện nhận biết khách hàng, giám sát các giao dịch đặc biệt, thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch có giá trị lớn, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền áp dụng chung cho toàn hệ thống, áp dụng các biện pháp tạm thời để kịp thời ngăn chặn các giao dịch liên quan đến rửa tiền;

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thanh tra, đánh giá rủi ro trong lĩnh vực bất động sản...

Đại biểu đoàn Hải Phòng cho rằng, các biện pháp phòng ngừa mới được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật sẽ góp phần minh bạch hóa hơn các giao dịch trên thị trường bất động sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản, công chứng, luật sư trong công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng được một thị trường bất động sản hoàn toàn minh bạch thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền theo tôi là chưa đầy đủ.

Ông Lã Thanh Tân cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch bất động sản; việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng công chứng... tại các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng.

Quốc Trần