Liên hợp quốc: Thế giới thiếu kinh phí để thích ứng với khí hậu
(CLO) Theo một báo cáo được công bố hôm thứ Năm (3/11) của Liên hợp quốc, thế giới đang thiếu hụt tiền để giúp các quốc gia đang gặp khó khăn thích ứng với những tác động ngày càng nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh ý chí chính trị để cắt giảm lượng khí thải và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, nguồn tài chính hàng trăm tỷ USD cũng là cần thiết để bảo vệ các quốc gia khỏi những thay đổi diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học.

Một khu vực bị ngập lụt ở Ahoada, Nigeria vào ngày 22 tháng 10 năm 2022. Ảnh: Reuters
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết nguồn tài chính quốc tế hiện tại đang chảy vào các nước đang phát triển thấp hơn từ 5 đến 10 lần so với mức cần thiết.
Vào năm 2020, số tiền từ các quốc gia tài trợ dành để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ là 29 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với mức 340 tỷ USD mỗi năm có thể cần vào năm 2030.
Các quỹ thích ứng thường được đưa vào các chương trình như cải thiện an ninh lương thực, bằng cách trồng các loại cây trồng có khả năng chống chịu với nắng nóng và hạn hán hoặc phục vụ cho cơ sở hạ tầng - chẳng hạn như xây các bức tường để bảo vệ các vùng đất ven biển.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow năm ngoái (COP26), các nước phát triển đã đồng ý tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính thích ứng lên 40 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025.
Tại COP27 ở Ai Cập, bắt đầu từ ngày 6 tháng 11, các quốc gia "phải trình bày một lộ trình đáng tin cậy với các mốc quan trọng rõ ràng về cách thực hiện điều này - tốt nhất là viện trợ không hoàn lại, chứ không phải cho vay", ông Guterres nói.
Đặc biệt, châu Phi đã phải vật lộn để đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng, chi tiêu cho thích ứng hàng năm hiện nay ở lục địa đen là 11,4 tỷ USD. Và để đáp ứng các cam kết về phát thải, các quốc gia châu Phi cần thêm 41 tỷ USD mỗi năm.
Hoàng Anh (theo UN, Reuters)