Nhiều sai phạm trong giao đất không thông qua đấu giá tại Kon Tum
(CLO) Thanh tra Chính phủ vừa chỉ rõ nhiều sai phạm khi giao đất không qua đấu giá tại TP Kon Tum và 3 huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy thuộc tỉnh Kon Tum.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại TP Kon Tum còn tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của tỉnh, phân lô theo hiện trạng dẫn đến diện tích các lô không đồng đều, giao đất cho 43 trường hợp (Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla) không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu là 3.515,19 triệu đồng. Đây là những trường hợp trong gia đình có đất bị GPMB ở địa bản vùng kinh tế khó khăn.

Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum tổ chức đấu giá có nhiều sai phạm
Xét tình hình thực tế nêu trên, việc thu thêm tiền của các trường hợp này là rất khó thực hiện (chưa kể có hộ đã chuyển nhượng - nếu có), nên Thanh tra Chính phủ không kiến nghị thu thêm tiền có nguy cơ thất thu, nhưng cần phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tương tự tại huyện Đắk Hà có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong một thời gian dài (tập trung tại thị trấn Đắk Hà, xã Ngọc Wang, xã Đăk Hring). Tại huyện Ngọc Hồi có 319 trường hợp, tại huyện Kon Rẫy có 2 trường hợp giao đất trồng cây hàng năm không thông qua đấu giá nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý, thể hiện sự buông lỏng quản lý.
“Đối với 2 trường hợp tại huyện Kon Rẫy, hiện trạng 2 thừa đất còn để trống, cần phải hủy quyết định giao đất, thu hồi 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, bố trí quỹ đất nông nghiệp cho 2 hộ gia đình trên theo đúng quy định”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.
Ngoài ra, còn có một số vi phạm trong cho thuê đất đối với hộ gia đình cá nhân như: Cho thuê đất không thông qua đấu giá; người dân thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích; cho thuê đất quy hoạch trồng cây lâu năm để xây dựng Trung tâm thương mại và cấp Giấy chứng nhận sai quy định. Trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, cơ quan chức năng chưa có biện pháp để thu hồi tiến sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ về ngân sách; còn buông lỏng quản lý, không yêu cầu đơn vị nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa với số tiền là 104,4 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Đắk Hà có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong một thời gian dài
Bên cạnh những vi phạm trong việc giao đất không thông qua đấu giá, Thanh tra Chính phủ cũng vạch ra hàng loạt sai phạm trong giao đất qua đấu giá. Cụ thể, trong đấu giá đất tại Kon Tum còn có tình trạng tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; tùy tiện điều chỉnh vị trí, diện tích một số lô đất; tổ chức đấu giá nhưng không chuyển mục đích sử dụng đất, không có kế hoạch sử dụng đất…
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm chính để xảy ra vi phạm, thiếu sót, tồn tại về công tác quản lý sử dụng đất đai nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan; Thủ trưởng các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Cục thuế, Tư pháp; UBND 10 huyện, thành phố (Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách, Trưởng phòng TN&MT, Trưởng phòng quản lý đô thị, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng); người xử lý, trình, ký văn bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.