Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả

30/11/2022 20:50

(CLO) Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Tiêm vắc xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao vắc xin diễn ra chiều 30/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, ngoại giao vắc xin trở thành một "mặt trận" rất quan trọng vì có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

viet nam co chien luoc su dung vac xin phu hop hieu qua hinh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, đến ngày 29/11/2022, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.

"Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vắc xin cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dung đa dạng các loại vắc xin. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19", bà Hương cho biết.

Với số lượng vắc xin, thuốc, trang thiết bị có được từ công tác ngoại giao vắc xin đã góp phần quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Nhân hội nghị này, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp, không để lãng phí vắc xin.

viet nam co chien luoc su dung vac xin phu hop hieu qua hinh 2

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.

Xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vắc xin của Việt Nam để lừa đảo

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, bám sát và thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an với tư cách là thành viên của Tổ công tác về ngoại giao vắc xin cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp trong nắm bắt tình hình để tham mưu với Đảng, Nhà nước, góp phần hoạch định chủ trương, chính sách, bước đi, triển khai nhiệm vụ cụ thể của ngoại giao vắc xin. Thông qua hợp tác về an ninh, tình báo, cơ quan thực thi pháp quyền để vận động, tác động, kết nối trong hỗ trợ, tìm kiếm, tiếp cận, nhập khẩu, tiếp nhận vắc xin, thuốc điều trị và các trang thiết bị y tế.

"Đồng thời, chúng tôi đã tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vắc xin của Việt Nam để lừa đảo, nhiều trường hợp để khuếch trương thanh thế", Thượng tướng Lương Tam Quang nói .

Tại hội nghị, thay mặt Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo một số công tác sau: Thứ nhất, đề nghị có các biện pháp cụ thể, thực chất để phát huy kết quả đạt được, để thúc đẩy hợp tác sâu rộng về y tế, khoa học, công nghệ, coi đây là cơ sở quan trọng để củng cố phát triển năng lực y tế dự phòng. Chủ động, phòng ngừa, ứng phó với các loại dịch bệnh cũng như tăng cường, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong xử lý, ứng phó với thách thức đe doạ an ninh phi truyền thống khác.

Thứ hai, đầu tư toàn diện lâu dài cho công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, cả về kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng, để bảo đảm chủ động trong chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Thứ ba, tiếp tục củng cố và phát triển sâu rộng, mạnh mẽ hơn với các cơ sở chính trị ủng hộ Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nền tảng lâu dài và bền vững trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ về đối ngoại kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới.

Cuối cùng, bên cạnh kênh ngoại giao, cần đẩy mạnh các kênh đối ngoại khác, trong đó có vai trò của đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh tình báo của các cơ quan thực thi pháp luật trong xử lý giải quyết những vấn đề lớn, nhạy cảm.

Quốc Trần