Nga sẽ thành lập "liên minh khí đốt tự nhiên" ở Trung Á

02/12/2022 08:16

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất thành lập một "liên minh khí đốt" với Kazakhstan và Uzbekistan để thiết lập cơ chế vận chuyển khí đốt tự nhiên giữa ba nước và các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.

Một ngày sau khi Tổng thống Kazakhstan Qasym-Zhomart Toqaev tuyên bố đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Moscow, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/11 xác nhận lại cả ba quốc gia trên đều thống nhất với đề xuất nêu trên.

Ông Peskov cho biết giai đoạn đầu tiên trong đề xuất của ông Putin dự kiến "tạo ra một cơ chế điều phối", thiết lập sự hợp tác giữa ba quốc gia và đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng cho các thị trường bên ngoài.

nga se thanh lap lien minh khi dot tu nhien o trung a hinh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Oilprice.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Toqaev, Ruslan Zheldibai, đã đăng tải trên mạng xã hội vào cùng ngày rằng: "Tổng thống Qasym-Zhomart Toqaev và người đồng cấp Vladimir Putin đều thống nhất cần tổ chức các cuộc đàm phán chi tiết với sự tham gia của các chuyên gia để tìm ra giải pháp hợp lý nhằm thu về lợi ích của tất cả các bên liên quan".

Bên cạnh đó, ông Peskov chỉ ra rằng vì các khu vực phía bắc của Kazakhstan phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ Siberia nên việc tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí thay vì thực hiện kế hoạch của chính phủ Kazakhstan nhằm xây dựng một đường ống mới. Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, Astana sẽ tiết kiệm được "hàng chục tỷ USD".

Nga được biết đến là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn, trong khi lượng khí đốt tự nhiên do Kazakhstan và Uzbekistan sản xuất hầu như không đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Hai nền kinh tế lớn của khu vực Trung Á có chung đường ống dẫn khí đốt đến Nga và đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan đến Trung Quốc.

Moscow đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc kể từ khi các quốc gia châu Âu bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong bối cảnh Điện Kremlin đang tiếp tục chiến sự tại Ukraine.

Lê Na (Theo Oilprice)

CTV