Nghề làm nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
(CLO) Sau hơn 200 năm ra đời, tồn tại và phát triển, nghề làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đã chính thức được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.
Ngày 16/12, tại thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc”.
Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc được hình thành hơn 200 năm nay. Phú Quốc hiện có hơn 7.000 thùng gỗ chượp cá, mỗi thùng có sức chứa từ 12 - 15 tấn cá. Hàng năm, Phú Quốc sản xuất từ 20 - 30 triệu lít nước mắm tính từ 25 độ đạm trở lên.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao Bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho Hội nước nắm Phú Quốc. Ảnh: TN
Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đã thành lập Hội Nước mắm Phú Quốc vào năm 2000. Sau đó, Hội đã đề xuất với cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng, đăng ký xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý.
Tháng 6/2001, nước mắm được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho nước mắm sản xuất tại Phú Quốc (GI); năm 2012, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý tại 28 nước liên minh châu Âu (PDO).
Đến năm 2017, Nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm Phú Quốc; tháng 5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian cấp quốc gia “Nghề làm Nước mắm ở Phú Quốc”.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý nhà nước đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của tỉnh, góp phần đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sau lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc với sự tham dự của đại diện Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, nhà khoa học, các ngành chức năng liên quan, Hội Nước mắm Phú Quốc, cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc.
Du khách tham quan nhà thùng nước mắm Khải Hoàn tại phường Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: QB
Kiểm tra độ đạm nước mắm Phú Quốc trước khi đưa vào dây chuyền đóng chai. Ảnh: SGGP
Nguyên liệu làm nước mắm truyền thống là cá cơm và muối. Ảnh: TL
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu đề xuất nội dung, giải pháp bảo tồn, phát huy những thành quả về Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc”; phát triển bền vững sản phẩm nước mắm có xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý Phú Quốc; thực trạng sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc và định hướng cho thời gian tới…
T.Toàn