Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

17/12/2022 19:31

(CLO) “Nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Chiều 17/12, tại Hội thảo Văn hóa 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu quan trọng.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Hội thảo có chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” - một hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã tạo dựng nên nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, được kế thừa, bổ sung, phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội.

“Nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

thuong truc ban bi thu vo van thuong van hoa phai duoc dat ngang hang voi kinh te chinh tri xa hoi hinh 1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng, vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa...

Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi.

thuong truc ban bi thu vo van thuong van hoa phai duoc dat ngang hang voi kinh te chinh tri xa hoi hinh 2

Ảnh minh họa.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đảng ta đã xác định: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. “Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Thể chế, chính sách đúng đắn sẽ khơi thông nguồn lực to lớn của đất nước

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của Nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

thuong truc ban bi thu vo van thuong van hoa phai duoc dat ngang hang voi kinh te chinh tri xa hoi hinh 3

Hội thảo Văn hóa 2022.

Bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế; nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời phải khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức Hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

N.Hường