Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận trần giá khí đốt

20/12/2022 07:49

(CLO) Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Hai (19/12) đã vượt qua nhiều tháng tranh cãi để thống nhất mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên trong khối. Nga lập tức cảnh báo rằng động thái này là "không thể chấp nhận được".

Giá trần đã được cố định ở mức 180 euro mỗi megawatt giờ, nhưng kèm theo các điều kiện và lời cảnh báo từ Ủy ban châu Âu rằng họ có thể đình chỉ biện pháp này nếu "rủi ro lớn hơn lợi ích".

lien minh chau au dat thoa thuan tran gia khi dot hinh 1

EU áp đặt mức giá trần khí đốt để kiểm soát chi phí năng lượng tăng cao. Ảnh: Reuters

Mục đích của việc giới hạn giá khí đốt được giao dịch trong Liên minh châu Âu là để giảm thiểu tình trạng khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Nga - nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu sang EU trước cuộc chiến ở Ukraine - vốn dĩ đã cắt các nguồn cung khí đốt sang châu Âu để đáp trả các lệnh cấm vận kinh tế chống lại nước này.

Gần đây, Nga tuyên bố sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần mà EU và G7 đã áp đặt với các lô hàng dầu thô của họ. Và đến thứ Hai vừa rồi, họ cũng cho biết sẽ đáp trả tương tự với việc áp trần giá khí đốt.

"Đây là hành vi vi phạm quy định giá thị trường, vi phạm quy trình thị trường, bất kỳ việc áp đặt giới hạn giá đều không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov được các hãng thông tấn nhà nước Nga trích dẫn cho biết.

Giới hạn giá khí đốt của EU trước mắt sẽ kéo dài trong một năm. Nó sẽ được kích hoạt nếu giá tiêu chuẩn châu Âu đối với khí đốt tự nhiên trong tương lai vượt quá mức 180 euro mỗi megawatt/giờ trong 3 ngày liên tiếp.

Mức trần đó sẽ được áp dụng cho các giao dịch trong ít nhất 20 ngày làm việc sau đó. Để giới hạn này bị hủy kích hoạt, phải có ba ngày giao dịch liên tiếp dưới mức trần 180 euro.

Cơ chế này nhằm đối phó với giá khí đốt tăng cao ở châu Âu vào tháng 8/2022, trong thời gian ngắn đã tăng vọt lên gần 340 euro mỗi megawatt giờ, khiến các chính phủ EU lo lắng.

Kể từ đó, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử và được giao dịch ở mức dưới 112 euro mỗi megawatt giờ vào thứ Hai.

Ủy ban châu Âu cũng cảnh giác với hậu quả của việc giới hạn giá và ban đầu họ đề xuất mức trần là 275 euro. Nhưng đề xuất đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia đang siết chặt giá năng lượng, chẳng hạn như Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Hoàng Anh (theo AFP, CNA)