Sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo là không phù hợp

27/12/2022 19:42

(CLO) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định việc sử dụng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo là không phù hợp với các quy định hiện hành.

Sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo là không phù hợp

Ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố “Thông tin chung về điều hành chính sách tiền tệ và Hoạt động ngân hàng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023”. Tại sự kiện, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trả lời báo chí về đề xuất sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo.

Cụ thể, mới đây, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) đề nghị NHNN xem xét trình Thủ tướng cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp, với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.

su dung trai phieu lam tai san dam bao la khong phu hop hinh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định việc sử dụng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo là không phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN. Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất này của HoREA, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định việc tổ chức tín dụng cấp tín dụng sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo để cấp tín dụng cho doanh nghiệp là không phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN.

Tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản

Khi được hỏi về tín dụng bất động sản, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, để làm rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp, dự án bất động sản. Từ đó, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để "bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".

Là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản, ông Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.

Thị trường cần các giải pháp của cơ quan chức năng, nhưng theo ông Tú, bản thân các doanh nghiệp, dự án cũng phải có giải pháp. Tổ công tác sẽ tổng kết đánh giá báo cáo Chính phủ và có giải pháp cho thị trường bất động sản thời gian tới.

Tín dụng bất động sản: Siết nhưng vẫn mở

Trước đó, ngày 22/12, Thống đốc NHNN có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về tín dụng, lãi suất. Trong đó, tín dụng bất động sản nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường. Bất động sản vẫn không phải lĩnh vực được ưu tiên.

Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; trong đó, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Tuy nhiên, bất  động sản không phải bị “siết” hoàn toàn”. Vẫn có một số lĩnh vực được “mở”. Đó là “cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp”.

Hoàng Tú