Ngành Hải quan triển khai hàng loạt các biện pháp gỡ vướng mọi lúc, mọi nơi cho doanh nghiệp
(CLO) Lực lượng Hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Những biện pháp này cũng giúp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan, đồng thời còn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trực tiếp đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách và thường xuyên thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của thủ tục hành chính (TTHC) trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, các hoạt động này đã góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về TTHC; công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát TTHC trong toàn Ngành.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, những năm qua ngành Hải quan luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục và góp phần quan trọng vào hoạt động cải cách hành chính của ngành Tài chính.

Ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tốt hơn
Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật hải quan, ngành Hải quan đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đây chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đạt sự tăng trưởng, lấy lại đà phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, ngành Hải quan đã linh hoạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng hành cùng với doanh nghiệp. Với những giải pháp tích cực mang lại hiệu quả đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao tầm nhìn và mục tiêu hướng tới Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh của ngành Hải quan.
Đặc biệt trong những năm gần đây, cơ quan Hải quan đã tổ chức định kỳ, thường xuyên, đột xuất các hội nghị, các buổi gặp gỡ để giải quyết vướng mắc trực tiếp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức Hải quan khi thi hành công vụ...
Bằng biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp, đồng thời nắm thêm được những thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện tiêu cực của cán bộ công chức các cấp.
Tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ
Được biết, sau mỗi hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp được Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hàng năm ở phía Bắc, phía Nam, một số văn bản về thủ tục hải quan và quản lý thuế đã được ban hành mới, thay thế để tạo điều kiện thuận hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thông qua các kênh, cơ quan Hải quan đã tích cực giải đáp các vướng mắc phát sinh trong thực hiện thủ tục hải quan, bảo đảm việc tuân thủ chính sách, pháp luật của doanh nghiệp. Riêng trong năm 2024, cơ quan Hải quan các cấp đã thực hiện hơn 154 cuộc đối thoại và trả lời khoảng 1.000 câu hỏi vướng mắc.
Trong thời gian tới, cơ quan Hải quan tiếp tục đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các điều ước quốc tế và hiệp định thương mại tự do, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các luật khác có liên quan.

Các buổi đối thoại giữa hải quan - doanh nghiệp là cách ghi nhận và hỗ trợ trực tiếp nhất
Để giải quyết vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cơ quan Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu duy trì các giải pháp đảm bảo thông quan hàng hoá. Nâng cao hiệu quả các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành khi giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan; đơn giản hoá hồ sơ hải quan, bãi bỏ các chứng từ không cần thiết, đơn giản hoá các khâu nghiệp vụ... Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương duy trì các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tránh ách tắc hàng hoá, đảm bảo thông quan hàng hoá được thông suốt.
Nhưng cùng với đó, cơ quan Hải quan mong muốn doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan. Từ đó giúp đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật. Đồng thời đây cũng là cách để giải quyết kịp thời các vướng mắc và kiến nghị cấp trên giải quyết các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền được phân cấp.