Nên học cách thức chấp nhận rủi ro để thử nghiệm những điều mới mẻ
(NB&CL) Đó là một trong những điều nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch HNBVN đã nhấn mạnh với chúng tôi trong cuộc trò chuyện đầu Xuân xung quanh câu chuyện đâu là chìa khóa mở ra những con đường phát triển mới, bền vững cho báo chí...

+ Ông từng nói rằng: Trong lĩnh vực báo chí, tôi mong muốn lãnh đạo các cơ quan báo chí phải tự vượt qua vùng an toàn của mình, dám chấp nhận rủi ro để có những thử nghiệm mới và dám chấp nhận sai lầm. Làm được điều đó, báo chí Việt Nam sẽ không thua kém ai. Vùng an toàn mà ông đề cập có phải là việc ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động tại các tòa soạn không, thưa ông? Là người giàu kinh nghiệm và nghiên cứu sâu về công nghệ - báo chí, ông đánh giá như thế nào về mức độ đổi mới, tiếp cận, ứng dụng công nghệ của báo chí Việt Nam hiện nay?
- Làm báo thì liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ nội dung cho đến công nghệ và kinh tế, chưa kể đến vấn để tuyển dụng nhân tài và đào tạo kỹ năng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đứng trước nhu cầu phải phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, việc áp dụng công nghệ làm báo mới là điều bắt buộc. Tuy nhiên, trong làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ trên thế giới và nhiều cơ quan báo chí ở trong nước đang tiến những bước dài về công nghệ, không ít tờ báo ở Việt Nam vẫn duy trì cách thức làm báo kiểu cũ, vẫn e ngại ứng dụng các công nghệ mới, hoặc có thái độ “chờ xem” các báo khác triển khai ra sao.
Ngay trong lĩnh vực báo điện tử, nhiều báo ở Việt Nam sớm áp dụng những hệ thống công nghệ mới và không hề chậm chân hơn báo chí nước ngoài về máy móc - thiết bị hiện đại, về phần mềm quản trị nội dung tân tiến, nhưng sau một khởi đầu thuận lợi thì họ dẫm chân tại chỗ, qua nhiều năm vẫn không đầu tư gì hơn. Hoặc trong lĩnh vực báo in, bây giờ các báo trên thế giới đã sử dụng những hệ thống sản xuất nội dung cao cấp, kết nối từ khâu viết bài - biên tập đến dàn trang và đăng tải trên nền tảng số (bao gồm website và mobile), tích hợp cả phần quản lý nội dung quảng cáo và ngân sách quảng cáo, trong khi không ít báo ở Việt Nam vẫn áp dụng quy trình khá đơn giản từ hàng chục năm trước. Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình - lĩnh vực vốn áp dụng nhiều công nghệ nhất, thì tôi vẫn thấy nhiều đài địa phương không hề có đổi mới gì so với 5-10 năm trước. Kinh phí đầu tư có thể là một khó khăn, nhưng không thể lấy điều đó làm lý do để đứng yên và nhìn các cơ quan khác tăng trưởng.

Thực ra, áp dụng công nghệ làm báo hiện đại thì ưu điểm lớn nhất là minh bạch hóa quy trình sản xuất trong toàn bộ tòa soạn, giúp việc quản trị tòa soạn được thông suốt và thông minh. Đối với mỗi cá nhân các nhà báo, việc áp dụng công nghệ mới giúp công việc của họ bớt phức tạp, mỗi người có thể chủ động sáng tạo và kiểm soát quy trình từ khâu sản xuất đến phát hành. Chẳng hạn, có những công cụ cho phép phóng viên, biên tập viên tự làm ra những sản phẩm đồ họa tương tác hoặc các bài mega story mà không cần đến sự can thiệp của nhân viên lập trình, có những ứng dụng giúp nhà báo tạo ra những đoạn video một cách nhanh nhất bằng cách sử dụng các mẫu (template) có sẵn, v.v… Thậm chí, thế giới đã bước vào giai đoạn sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất nội dung hoặc để hiểu rõ về hành vi người dùng nhằm cung cấp nội dung mang tính cá nhân hóa cao. Nếu chậm chân trong quá trình ứng dụng công nghệ làm báo thì hậu quả sẽ là bị mất người dùng, lợi thế bị rơi vào tay các cơ quan báo chí khác.

+ Công nghệ được cho là tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới cho báo chí. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để làm chủ được cuộc chơi, không quá bị phụ thuộc vào các đối tác công nghệ. Theo ông, các cơ quan báo chí phải làm gì để có thể đứng vững và đi đến cùng trong cuộc chơi này?
- Có một thực tế hiện nay là nhiều cơ quan báo chí chưa coi trọng vai trò của công nghệ. Nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí không nắm vững công nghệ, lại coi công nghệ chỉ là một chức năng hỗ trợ cho tờ báo chứ không phải là động lực thúc đẩy sự phát triển, bộ phận phụ trách công nghệ đôi khi chỉ là vài nhân viên cài đặt phần mềm hay sửa lỗi máy tính, hoàn toàn không có nhân viên lập trình. Cách đây không lâu vẫn còn có những tờ báo coi bộ phận báo điện tử như một nơi cắt - dán nội dung từ báo in lên nền tảng điện tử, không đầu tư căn cơ cho báo điện tử, thậm chí chuyển những nhân viên bị coi là không hiệu quả sang bộ phận báo điện tử. Cũng có một thực tế khác là do không nắm vững về các xu hướng phát triển của báo chí hiện đại nên có những cơ quan báo chí đầu tư ồ ạt các công nghệ mà rốt cục không phù hợp hoặc không cần thiết, gây tốn kém và về tài lực và nhân lực triển khai.

Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, việc chọn được một hoặc một vài đối tác công nghệ chiến lược, có thể đồng hành với cơ quan báo chí trên quãng đường dài, hiểu rõ văn hóa cũng như thực lực của tòa soạn để đưa ra những tham vấn chuyên môn phù hợp là không hề đơn giản. Nhiều cơ quan chọn cách tưởng chừng dễ dàng là “mua đứt bán đoạn” các phần mềm nhưng như vậy là sai lầm, bởi qua quá trình tác nghiệp chắc chắn sẽ cần sửa đổi hoặc bổ sung tính năng, hoặc phải nâng cấp. Thậm chí theo quan điểm làm báo hiện đại thì nhân viên công nghệ phải được “cắm rễ” trong tòa soạn, phải cùng làm việc với các nhà báo.
Và để chọn được đúng đối tác, không để họ “dắt mũi” hoặc dẫn lối sai thì cần phải có sự hiểu biết nhất định về công nghệ. Đây chính là rào cản lớn nhất vì đa số các lãnh đạo báo chí chỉ thành thạo về báo chí mà thôi. Trong thời đại digital hiện nay, người ta yêu cầu các phóng viên, biên tập viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức công nghệ cơ bản, và chính các lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng phải tự học hỏi, nghiên cứu về xu hướng công nghệ để có khả năng chỉ đạo vấn đề này chứ không thể “khoán việc” cho cán bộ cấp dưới.

+ Việc các cơ quan báo chí chuyển đổi sang mô hình media-tech - cơ quan báo chí - công nghệ - với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân sự công nghệ có phải là một trong những giải pháp để các cơ quan báo chí tránh bị phụ thuộc vào đối tác công nghệ không, thưa ông hay mô hình media-tech còn hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn hơn với các cơ quan báo chí Việt Nam?
- Xin lưu ý rằng media-tech là mô hình mà nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang áp dụng và khá thành công, chẳng hạn như Washington Post và New York Times ở Mỹ, South China Morning Post ở Hong Kong, SPH ở Singapore và rất nhiều cơ quan báo chí ở châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu. Họ thậm chí không chỉ tạo ra những sản phẩm công nghệ cho riêng mình mà còn kinh doanh được các sản phẩm đó. Nhưng đây là mô hình của “nhà giàu” nên các cơ quan báo chí ở Việt Nam không dễ học theo. Rất ít cơ quan báo chí ở Việt Nam có đủ nguồn lực và quy mô để có thể vận hành mô hình media-tech, vốn đòi hỏi một lực lượng nhân viên công nghệ rất đông đảo.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các cơ quan báo chí Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ không thể có cách làm linh hoạt. Tôi nghĩ giải pháp trước mắt chính là việc mỗi cơ quan báo chí nên có một vài đối tác công nghệ chiến lược - những công ty đồng hành với cơ quan báo chí trong hoạt động tòa soạn diễn ra hàng ngày, hiểu rõ ưu nhược điểm của hệ thống công nghệ để cùng nhau hoàn thiện. Kinh nghiệm cho thấy không phải chỉ cơ quan báo chí lớn và hùng mạnh về tài chính mới có thể áp dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại. Phần mềm tốt không đồng nghĩa với phần mềm đắt tiền, thiết bị chưa phải là tối tân nhất nhưng vào tay những nhà báo ham học hỏi, tìm tòi thì vẫn có thể giúp tạo ra những sản phẩm thông tin đặc biệt.

+ Việc các cơ quan báo chí chuyển đổi sang mô hình media-tech - cơ quan báo chí - công nghệ - với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân sự công nghệ có phải là một trong những giải pháp để các cơ quan báo chí tránh bị phụ thuộc vào đối tác công nghệ không, thưa ông hay mô hình media-tech còn hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn hơn với các cơ quan báo chí Việt Nam?
- Xin lưu ý rằng media-tech là mô hình mà nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang áp dụng và khá thành công, chẳng hạn như Washington Post và New York Times ở Mỹ, South China Morning Post ở Hong Kong, SPH ở Singapore và rất nhiều cơ quan báo chí ở châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu. Họ thậm chí không chỉ tạo ra những sản phẩm công nghệ cho riêng mình mà còn kinh doanh được các sản phẩm đó. Nhưng đây là mô hình của “nhà giàu” nên các cơ quan báo chí ở Việt Nam không dễ học theo. Rất ít cơ quan báo chí ở Việt Nam có đủ nguồn lực và quy mô để có thể vận hành mô hình media-tech, vốn đòi hỏi một lực lượng nhân viên công nghệ rất đông đảo.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các cơ quan báo chí Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ không thể có cách làm linh hoạt. Tôi nghĩ giải pháp trước mắt chính là việc mỗi cơ quan báo chí nên có một vài đối tác công nghệ chiến lược - những công ty đồng hành với cơ quan báo chí trong hoạt động tòa soạn diễn ra hàng ngày, hiểu rõ ưu nhược điểm của hệ thống công nghệ để cùng nhau hoàn thiện. Kinh nghiệm cho thấy không phải chỉ cơ quan báo chí lớn và hùng mạnh về tài chính mới có thể áp dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại. Phần mềm tốt không đồng nghĩa với phần mềm đắt tiền, thiết bị chưa phải là tối tân nhất nhưng vào tay những nhà báo ham học hỏi, tìm tòi thì vẫn có thể giúp tạo ra những sản phẩm thông tin đặc biệt.

+ Chuyển đổi sang mô hình media-tech hay chuyển đổi số báo chí, suy đến tận cùng, cũng là để giữ chân độc giả. Ông từng khẳng định: chúng ta đang cố gắng tìm 80% người đọc lướt, trong khi 20% độc giả trung thành mới mang lại cơ hội tạo doanh thu cho báo chí và việc duy trì độc giả trung thành đang bị nhiều cơ quan báo chí bỏ quên. Câu chuyện giữ chân độc giả trung thành, xét đến tận cùng vẫn là việc phải “hiểu được độc giả”, phải là tạo dựng được giá trị cốt lõi riêng có của báo chí: tin tức xác thực, phân tích, dữ liệu nhiều hơn, là dẫn dắt, định hướng, là giải pháp nhiều hơn, phải vậy không, thưa ông?
- Báo chí đang bị cuốn theo thuật toán của các công ty công nghệ, và đây là điều rất nguy hiểm bởi nó làm cho chất lượng của báo chí bị giảm sút. Các tờ báo, các nhà báo giờ đây có xu hướng tạo ra những nội dung để người dùng dễ tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm hoặc được chia sẻ trên mạng xã hội, tức là phải chạy theo những xu hướng thông tin nổi lên trong một thời điểm nhất định, mà thường đó là xu hướng nội dung gây chú ý của đông đảo người dùng, hay nói cách khác là nội dung có thể gây sốc. Nói cho công bằng thì có những nội dung như vậy mang tính thông tin thời sự, nhưng có rất nhiều nội dung bị coi là nhảm nhí, soi mói đời tư của người nổi tiếng, những chuyện thầm kín, những tấm hình hay video clip nhạy cảm. Chưa kể việc chạy đua với mạng xã hội đôi khi khiến báo chí bị sập bẫy tin giả, tin thất thiệt.
Báo chí đua nhau kiếm lượng truy cập thật cao để có thể bán quảng cáo, nhưng cách thu hút lượng truy cập bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào thuật toán của các công ty công nghệ chứ không phải nhờ chất lượng nội dung. Những công ty như Facebook đang bắt chước TikTok chuyển từ ưu tiên nội dung chia sẻ của bạn bè, người thân hoặc các cơ quan báo chí sang việc tự đề xuất những nội dung giải trí đang “hot” do những người hoàn toàn xa lạ tạo ra. Vì thế, nội dung đáp ứng thuật toán này sẽ được nổi lên và thu hút người xem. Rất tiếc là có không ít cơ quan báo chí đang làm báo dựa vào thuật toán như thế.

Niềm tin đối với báo chí trên thế giới bị giảm sút trong những năm qua, một phần là do truyền thông xã hội, nhưng một phần cũng do nội dung báo chí bị pha tạp và hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng đã thay đổi. Báo chí muốn duy trì vị thế thì không thể chạy theo mạng xã hội, chạy theo thuật toán. Trong cơn bão công nghệ hiện nay, sẽ có nhiều cơ quan báo chí phải thu hẹp hoạt động và thậm chí mất đi, sẽ có nhiều nhà báo bị mất việc hoặc phải chuyển sang ngành nghề khác, nhưng điều đó không có nghĩa là báo chí bị mất vai trò của mình. Người dân sau khi đọc được đủ loại nội dung trên Internet thì vẫn cần những nguồn tin tin cậy, nơi họ có thể tìm những thông tin xác tín, như ngọn hải đăng dẫn lối cho họ trong công việc cũng như cuộc sống. Khó khăn trước mắt đối với báo chí là điều không tránh khỏi, thậm chí sẽ có những khó khăn khác mà hiện tại chúng ta còn chưa nhận diện được, nhưng dứt khoát báo chí phải giữ được giá trị cốt lõi của mình là cung cấp thông tin trung thực, đa chiều, công bằng và công tâm, có thẩm định kỹ càng. Báo chí hiện đại không thể chỉ dựa vào nguồn thu quảng cáo mà phải sống bằng nguồn thu từ độc giả. Và chỉ có độc giả trung thành, tin tưởng vào báo chí, thấy được lợi ích từ báo chí, mới sẵn sàng chi tiền cho báo chí.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông, chúc ông một năm mới với những thành công mới!
