Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững
(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống.
Ngày 14/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần tập trung triển khai tốt Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng, trong đó có xây dựng, kết nối dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu về dân cư.
Chính sách người có công với cách mạng tiếp tục được hoàn thiện, triển khai kịp thời. Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường, thúc đẩy. Phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của nền kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi triển khai khá toàn diện và tương đối đầy đủ, hiệu quả...
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục thời gian tới như: Chỉ tiêu về tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu; chưa chủ động trong xây dựng, nghiên cứu chiến lược; thị trường lao động phát triển không đồng đều, bền vững. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng. Tổ chức thực hiện chính sách xã hội vẫn là khâu yếu, chưa đồng bộ, đồng đều. Bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tự kỷ. Tệ nạn xã hội, số người nghiện ma túy có xu hướng tăng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 "Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân".
Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công", huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.
Cùng với đó phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và của các hiệp hội, hội đoàn nghề nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, tăng cường kỹ năng số cho người lao động. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề.
Thủ tướng đề nghị xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống. Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý…