Cận Tết, “phố lò rèn” Đa Sỹ rộn ràng sản xuất dao kéo, đỏ lửa ngày đêm
(CLO) Những ngày cuối năm, làng rèn Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) ai ai cũng tất bật, đâu đâu cũng vang tiếng búa gõ, tiếng chày máy leng keng để cho ra đời đủ các loại dao kéo phục vụ người dân.
Nói đến ngôi làng “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” người ta nghĩ ngay đến làng rèn Đa Sỹ, nằm bên dòng sông Nhuệ thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Những ngày này, đi sâu vào trong làng, tiếng máy mài, tiếng búa thi nhau vang lên từ sáng tới chiều. Sản phẩm của làng rèn phục vụ người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Từ người già đến trẻ em, cả nam lẫn nữ đều có thể thực hiện các công đoạn của nghề rèn. Từ công sức và tay nghề của người thợ, những chiếc dao, kéo sắc nhọn được tung ra phục vụ thị trường Tết.

Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) ai ai cũng tất bật. Ảnh: Quỳnh Anh.
Theo nhiều thợ tại đây, để có một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và công phu. Để làm ra 1 con dao chặt đạt chất lượng tốt cần mất tới trên dưới 20 công đoạn. Vì thế, người thợ làm thủ công cần tỉ mỉ từng khâu, đôi khi phải mất cả ngày mới cho ra lò một sản phẩm hoàn thiện.
Đầu tiên, dao phải chọn thép tốt, tốt nhất là nhíp (dùng để rèn dao chặt) hoặc tanh lốp ôtô (dùng rèn loại dao nhỏ). Loại thép này có độ cứng cao, không dễ sứt mẻ, ít bị ăn mòn và giá thành rẻ.
Sau đó, thép được đưa vào lò nung đủ độ. Đặc biệt, để nung thép cho chuẩn, người ta thường dùng xỉ than. Khi rèn xong phải ủ vào tro củi để thép nguội từ từ, bởi nếu nguội nhanh thép sẽ giòn. Khi ủ xong mới vỗ cho nhẵn, giũa lưỡi cho sắc ngọt.

Để có một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và công phu. Ảnh: Quỳnh Anh.
Gắn bó với nghề hơn chục năm nay, anh Nguyễn Văn Quý cho biết, công việc làm dao kéo được sản xuất quanh năm, nhưng mỗi dịp Tết, lượng công việc nhiều hơn hẳn.
“Tuy dao kéo không phải là sản phẩm mang tính thời vụ, nhưng mỗi dịp Tết đến, khách hàng sẽ đặt mua nhiều hơn nên xưởng tôi phải làm việc liên tục” anh Quý nói.
“Đa số khách sẽ đặt mua các loại dao chặt cỡ lớn trong dịp này. Ngoài ra, khách cũng mua thêm thớt nghiến hoặc đem dao cũ tới mài lại cho sắc”, anh Quý chia sẻ.

Công việc làm dao kéo được sản xuất quanh năm, nhưng dịp Tết, lượng công việc nhiều hơn hẳn. Ảnh: Quỳnh Anh.
Tương tự, lò rèn của anh Nguyễn Văn Thắng - người làm nghề lâu năm tại thôn Đa Sỹ thời gian này lúc nào cũng đỏ lửa từ sáng sớm đến chiều muộn.
“Cuối năm, xưởng tôi thường nhận được các đơn hàng lớn, hầu hết đều là các khách hàng xa đặt mua dao về để bán buôn. Xưởng phải thuê thêm cả nhân công tăng công suất lên gấp 3 lần ngày thường để kịp tiến độ trước khi Tết đến”, anh Thắng cho hay.
Hiện nay, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có khoảng hơn 1.000 hộ gia đình đang duy trì nghề rèn. Trong số đó có khoảng 70% số hộ làm rèn thủ công, 30% số hộ đã đưa máy móc vào sản xuất.
Sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ hiện nay đa dạng, mẫu mã đẹp, bắt mắt và không kém cạnh so với những sản phẩm công nghiệp bằng inox. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm.

Sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ hiện nay đa dạng, mẫu mã đẹp, bắt mắt. Ảnh: Quỳnh Anh.
Không những thế, dao kéo làng rèn Đa Sỹ luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Không như một số làng nghề truyền thống khác luôn canh cánh nỗi lo tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, những nghệ nhân của làng rèn truyền thống Đa Sỹ chỉ lo “không có sức mà làm”, bởi sản phẩm thủ công của làng nghề đã có thương hiệu, hầu như làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh