Doanh nhân tuổi Mão duy nhất của Việt Nam được Forbes tôn vinh

22/01/2023 11:23

(CLO) Là doanh nhân tuổi Mão duy nhất của Việt Nam được Forbes vinh danh, ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu khối tài sản trị giá 1,6 tỷ USD.

Doanh nhân tuổi Mão tỷ đô duy nhất

Tuổi Mão là tuổi của tài giỏi, giàu sang nên trong danh sách "Những doanh nhân giàu nhất Việt Nam" có rất nhiều cái tên đình đám như ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen,…

Thế nhưng, doanh nhân tuổi Mão của Việt Nam được Forbes tôn vinh thì chỉ có một người duy nhất. Đó là ông Nguyễn Đăng Quang. Trong 3 năm gần đây, ông Quang liên tục có tên trong danh sách Những người giàu nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes thống kê.

Vào thời điểm hiện tại, khi năm Quý Mão 2023 vừa có những bước đi đầu tiên, theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang là người giàu thứ năm Việt Nam và thứ 1.840 trên thế giới với khối tài sản 1,6 tỷ USD.

doanh nhan tuoi mao duy nhat cua viet nam duoc forbes ton vinh hinh 1

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan là đại gia tuổi Mão duy nhất lọt vào danh sách Những người giàu nhất Việt Nam của Forbes.

Tính riêng tại Việt Nam, ông đứng sau bốn doanh nhân lớn khác là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.

So với hồi đầu năm 2022, khối tài sản này đã giảm khoảng 300 triệu USD nhưng lại tăng 300 triệu USD so với năm 2019 – thời điểm ngay trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Trên website của mình, Forbes đã giới thiệu về ông Nguyễn Đăng Quang: “Ông Nguyễn Đăng Quang đầu tư vào ngân hàng thương mại Techcombank vào năm 1993 và sau đó thành lập Masan Group cùng với đối tác kinh doanh là ông Hồ Hùng Anh vào năm 2004.

Masan Group có lợi ích trong nhiều lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng và thực phẩm, từ thức ăn chăn nuôi đến chế biến thực phẩm.

Trong khi ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, phụ trách ngân hàng, thì ông Nguyễn tập trung vào việc xây dựng Masan Group với tư cách là chủ tịch.

Năm 2021, doanh thu của Masan Group tăng 15% lên 4 tỷ USD”.

Còn tính theo giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của vị doanh nhân tuổi Mão giàu nhất Việt Nam thấp hơn một chút. Tại ngày 21/1/2023, giá trị cổ phiếu MCH, MSN, TCB của ông Quang đạt gần 28.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD).

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Quang là người giàu thứ tư, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long và ông Hồ Hùng Anh. Ông Quang giàu hơn bà Phương Thảo, người có 24.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thống kê của Forbes chính xác hơn vì ngoài cổ phiếu HDB và VJC đã niêm yết, bà Thảo còn có cổ phần tại nhiều công ty chưa niêm yết nhưng có quy mô khá lớn khác.

Gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hứa hẹn… giàu thêm

Masan là một hệ sinh thái hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực. Và đa số các lĩnh vực của Masan đều được đánh giá là ít thuận lợi trong năm 2023.

Công ty chứng khoán VCBS cho rằng triển vọng các mảng kinh doanh của Masan sẽ không quá tích cực trong năm 2023 trong bối cảnh chi tiêu và sức mua nhìn chung giảm.

VCBS dự phóng doanh thu thuần Masan tăng trưởng 14,7% chủ yếu nhờ sự mở rộng của WCM và MML. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế duy trì mức tăng một chữ số do biên gộp thu hẹp và chi phí tài chính tăng mạnh khoảng 20%. EPS 2022 – 2023 lần lượt là 2.385 và 2.731 đồng/CP, tương với P/E dự phóng 39,8x và 34,8x.

doanh nhan tuoi mao duy nhat cua viet nam duoc forbes ton vinh hinh 2

Cổ phiếu TCB của Techcombank được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Dù vậy, Masan vẫn là công ty rất nhiều tiềm năng. BVSC khẳng định: “Khó khăn trong ngắn hạn, câu chuyện dài hạn vẫn sáng”.

BVSC vẫn lạc quan về câu chuyện ngành Tiêu dùng của MSN, đó là phục vụ các nhu cầu chưa được khai phá hoặc chưa được đáp ứng đúng mức của người tiêu dùng thế hệ mới. Đó là sự bùng nổ của đa dạng hoá, tiện lợi hoá, cao cấp hoá sản phẩm; sự quan tâm ngày một nhiều đến các vấn  đề về chất lượng, an toàn sức khoẻ; sự chuyển dịch hành vi mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại và đa kênh.

Vì vậy, BVSC đưa ra đánh giá “khả quan” về cổ phiếu MSN của Masan. Mức giá mà công ty chứng khoán dự báo cho cổ phiếu này là 116.000 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank cũng được Công ty chứng khoán MBS đánh giá cao.

Theo MBS, về chất lượng tài sản, TCB vẫn đứng hàng đầu trong ngành ngân hàng. Phần lớn nợ xấu của TCB đến từ mảng cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng nhỏ và vừa, trong khi mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp gần như không có nợ xấu.

Mặc dù tỷ trọng cho vay mảng khách hàng cá nhân và khách hàng nhỏ và vừa đã gia tăng đáng kể nhưng TCB vẫn duy trì được tỷ lệ NPL rất thấp so với ngành

Độ dày vốn và CASA của TCB đứng đầu ngành ngân hàng. Tại cuối quý 3/2022, CAR hợp nhất theo BASEL II của TCB đạt 15,7%, cao nhất toàn ngành. Tỷ lệ CASA cũng giảm xuống mức 46,5% so với mức 50,5% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, đây vẫn là mức CASA cao nhất toàn ngành ngân hàng. Trong cơ cấu CASA, nhóm khách hàng cá nhân đóng góp 58,9%, tỷ lệ này giảm hơn so với mức 62,3% tại cuối năm 2021.

TCB đang có định giá hấp dẫn so với vị thế của TCB. Mức P/B hiện tại của TCB là 0.9x, tương đối thấp hơn so với mức P/B trung bình ngành là 1.3x. MSB cho rằng đây là một mức định giá tương đối hấp dẫn so với vị thế của TCB.

Cụ thể, ROE trong quý/2022 của TCB đạt 20,9%, cao hơn so với mức 19,5% của toàn ngành. Không chỉ vậy, TCB đã duy trì tỷ lệ ROE luôn trên mức 20% kể từ quý 2/2021, cao hơn nhiều so với mức dưới 18% của toàn ngành.

MBS dự báo TCB có thể đạt tới mức 42.500 đồng/CP. Trong khi đó, đóng cửa năm Nhâm Dần 2022, TCB dừng ở mức 29.100 đồng/CP. Điều đó có nghĩa dư địa sinh lợi nhuận cho cổ đông của TCB là rất lớn.

Nếu dự báo này xảy ra, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang sẽ gia tăng mạnh trong năm tuổi của vị đại gia tuổi Mão giàu nhất Việt Nam.

Hoàng Tú