Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn chưa đủ làm thay đổi tình hình kinh tế toàn cầu năm 2023
(CLO) Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn chưa đủ để tác động lên sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023.
Việc Trung Quốc thay đổi chính sách Zero-Covid và mở cửa trở lại nền kinh tế được cho là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại rằng sự kiện này cũng khó có thể thay đổi được sự suy giảm trong đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023.
Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs cho biết mặc dù ngân hàng này vẫn đưa ra dự báo đánh giá tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu hàng năm của thế giới chỉ ở mức 2,2% cho năm 2023 nhưng hiện tại họ cũng đưa ra mức dự báo cao hơn đối với hầu hết các nền kinh tế lớn.

Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc chưa đủ để thay đổi sự chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Ảnh TL)
"Những dự đoán cập nhật gần đây của chúng tôi cho thấy sự tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại cùng khả năng chống chọi của châu Âu trước cuộc khủng hoảng năng lượng (do mùa đông ấm hơn so với dự kiến) và nền kinh tế Mỹ có khả năng hồi phục trước những chính sách tiền tệ thắt chặt, tác động của việc tăng lãi suất giảm dần trong năm 2023". Như vậy, theo ông Tilton thì vẫn còn nhiều khả năng nền kinh tế thế giới được cải thiện trong năm 2023.
Goldman Sachs do đó đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của khu vực EU lên 0,6% và bỏ ý kiến cho rằng khu vực này sẽ xảy ra suy thoái. Nền kinh tế Mỹ có thể trải qua mức tăng trưởng 1,4%, cao hơn 0,3% so với dự kiến. Còn Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5,2%.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc mở cửa chưa đủ để mang lại tác động tích cực rõ ràng cho nền kinh tế thế giới. Ông Ajay Rajadhyaksha, chủ tịch nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Barclays đưa ra mức dự đoán tăng trưởng 1,7%, giảm tương đối sâu so với năm 2021 và năm 2022 khi tăng trưởng 2 năm này ở mức 6% và 3,2%.
Ông cho rằng bất chấp việc mở cửa trở lại nền kinh tế cùng một số sáng kiến, chính sách khuyến khích tái thúc đầy nền kinh tế, những tác động cũng không thực sự đủ lớn để làm thay đổi triển vọng tăng trưởng toàn cầu nói chung.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 1,7% so với mức 3% trước đó do điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu khi lạm phát vẫn ở mức cao, cơ quan này đưa ra dự báo tăng trưởng ở mức 2,7% cho năm 2023.
Về những tác động khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, Albert Park, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á từng chia sẻ trên trang CNBC cho rằng điều này sẽ mang lại cả rủi ro lẫn cơ hội cho các quốc gia.
Bởi khi chính phủ quốc gia này quyết định gỡ bỏ chính sách Zero-Covid, điều này đồng nghĩa với việc số ca lây nhiễm tại quốc gia này sẽ gia tăng. Nhưng đây là cái giá mà chính quyền của quốc gia này phải trả để đưa tình hình kinh tế trở lại khi chấm dứt chính sách Zero-Covid.
Trong tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 từ 3,3% xuống chỉ còn 3%. Đối với năm 2023, đơn vị này đưa ra mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giảm từ 4,5% xuống chỉ còn 4,3%.
Điều này cũng đã ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng nói chung của châu Á Thái Bình Dương giảm từ 4,9% xuống chỉ còn 4,6%.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đồng thời góp phần tạo nên sự phục hồi đối với ngành du lịch toàn cầu khi mà du khách Trung Quốc chiếm một phần tương đối lớn trong tỷ trọng khách du lịch toàn cầu.
Một ví dụ điển hình được Allan Zeman, chủ tịch của Tập đoàn Lan Quế Phường, một nơi thu hút khách du lịch bậc nhất tại Hong Kong cho biết "Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và nay họ đã mở cửa trở lại, đến lúc để trở lại làm việc." Theo ông Zeman thì việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp Hong Kong phục hồi lại ngành du lịch như những ngày xưa cũ.