Đắk Lắk dừng khai thác dịch vụ cưỡi voi
(CLO) Trung tâm du lịch Cầu Treo Buôn Đôn sẽ dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cưỡi voi từ ngày 10/2 tới.
Ngày 8/2, tin từ Trung tâm du lịch Cầu Treo Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (thuộc Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk - đơn vị quản lý trung tâm) vừa có thông báo dừng khai thác dịch vụ cưỡi voi.
Theo đại diện đơn vị, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk về lộ trình dừng dịch vụ cưỡi voi trong hoạt động kinh doanh du lịch để bảo tồn đàn voi nhà, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện; Trung tâm du lịch Cầu Treo Buôn Đôn sẽ dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cưỡi voi từ ngày 10/2 và chuyển sang dịch vụ du lịch voi thân thiện với du khách.

Du khách cưỡi voi tại Khu du lịch Cầu Treo Buôn Đôn trong những ngày Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: VH
Trước đó, mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt khoản viện trợ đối với dự án hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện trên địa bàn tỉnh, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn tình trạng khai thác dịch vụ cưỡi voi.
Nhiều du khách phản ánh, tại Khu du lịch Cầu Treo Buôn Đôn, hình ảnh những chú voi phải “còng lưng” chở khách du lịch giữa trưa nắng như thiêu như đốt khiến họ cảm thấy ám ảnh, xót xa. Nhiều khách du lịch đã bày tỏ bức xúc vì sự việc này.
Ngoài ra, tại điểm du lịch Hồ Lắk, những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, du khách đến đây vẫn được cưỡi voi như chưa hề có chỉ đạo của tỉnh Đắk Lắk. Người dân cho biết, mức hỗ trợ chủ voi để dừng khai thác dịch vụ cưỡi voi quá thấp, không đủ cho họ chuyển hướng sang nghề khác nên vẫn duy trì dịch vụ này.
Hồi tháng 11/2022, tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”.
Tổng giá trị khoản viện trợ hơn 55 tỷ đồng được triển khai với kỳ vọng sẽ chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì và bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Được biết, dự án được triển khai tại Ban Quản lý rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk (huyện Lắk), Vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng và các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn.
Hoạt động khai thác voi phục vụ khách du lịch tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TPO
Cuối năm 2021, tỉnh Đăk Lăk đã ký kết với Tổ chức AAF về hợp tác mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó tỉnh không tổ chức du lịch cưỡi voi, hội thi voi bơi, đá bóng, diễu hành trên đường...
Kinh phí AAF hỗ trợ được tỉnh chi cho chủ và nài để bù đắp thu nhập giảm sút do dừng khai thác voi. Các trung tâm du lịch được cấp kinh phí, kỹ thuật để chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi...
Năm 2018, AAF cũng đã tài trợ 65.000 USD để chấm dứt du lịch cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh còn 37 cá thể voi nhà, trong đó có 22 cá thể ở huyện Buôn Đôn, 14 cá thể ở huyện Lắk và 1 cá thể ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980 với 502 cá thể voi nhà.
T.Toàn