Tiếp tục rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường Nhà nước

09/02/2023 13:40

(CLO) Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra trong công tác bồi thường Nhà nước, đặc biệt là các đơn vị có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh yêu cầu bồi thường; Tiếp tục rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường…

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 263/UBND-NC về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường Nhà nước năm 2023 sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

tiep tuc ra soat va giai quyet dut diem cac vu viec boi thuong nha nuoc hinh 1

Hà Nội chỉ đạo tiếp tục rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường Nhà nước năm 2023, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan như: TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự thành phố (TP), các sở, ban, ngành TP  tiếp tục tổ chức thi hành có hiệu quả pháp luật về bồi thường Nhà nước trên địa bàn TP, trong đó cần tập trung các nội dung cụ thể sau:

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường Nhà nước bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, kết hợp các hình thức tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin truyền thông, trong đó lồng ghép với việc triển khai Đề án “Tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân” (theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Tổ chức bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu kỹ năng giải quyết bồi thường Nhà nước cho cán bộ công chức được phân công thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn TP.

Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra trong công tác bồi thường Nhà nước, đặc biệt là các đơn vị có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh yêu cầu bồi thường Nhà nước trên cơ sở nắm bắt các thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và gửi các văn bản trong trong quá trình giải quyết bồi thường về Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước khi phát sinh vụ việc.

Tiếp tục rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường Nhà nước (nếu có) theo chỉ đạo tại khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tiếp tục hoàn thiện văn bản phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước công tác bồi thường Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án các cơ quan khác có liên quan trọng công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn TP theo Công văn số 4131/BTP-BTNN ngày 24/10/2022 của Bộ pháp hướng dẫn xây dựng văn bản phối hợp thực hiện công tác bồi thường Nhà nước.

UBND TP hướng dẫn, việc sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được tổ chức thực hiện trên cả 3 lĩnh vực: Quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.

Theo hướng dẫn tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội, cơ sở pháp lý áp dụng cho việc tiến hành bồi thường được căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Thông tư 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018 của Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường Nhà nước.

Thời gian xử lý trong vòng 32 ngày (trong đó có 07 ngày được tính là ngày làm việc) đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn được tính thêm là 20 ngày. Nếu có thỏa thuận giữa người người yêu cầu bồi thường và người giải quyết bồi thường thì thời gian giải quyết được kéo dài thêm tối đa là 25 ngày.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, thời hạn nêu trên được tính thêm là 02 ngày làm việc.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, từ năm 2015- 2020, có 464 cán bộ bị kỷ luật các hình thức, nhiều người bị truy tố hình sự. Tổng số tiền Nhà nước bỏ ra để bồi thường cho người bị oan sai là 225 tỷ đồng, nhưng số tiền thu được từ công chức làm gây oan sai chỉ hơn 2 tỷ đồng. Qua rà soát đã phát hiện 57 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có 1 văn bản của bộ ngành Trung ương, 56 văn bản của cấp tỉnh.

Gia Bảo