Sửa Luật Đất đai: Quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

18/02/2023 12:58

(CLO) Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần quan tâm và giải quyết để thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”. 

sua luat dat dai quan tam chinh sach boi thuong ho tro tai dinh cu hinh 1

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo.

Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết: Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2013 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2014 đã đánh dấu một mốc rất quan trọng trong việc quy định về chế độ sở hữu đất đai của toàn dân và chế độ quản lý, nghĩa vụ, quyền lợi, lợi ích của người dân.

Sau hơn 9 năm tổ chức triển khai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai đã được xây dựng mới bổ sung cho phù hợp thời kỳ mới của đất nước và bối cảnh quốc tế nên Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đề xuất, cần quan tâm quyền lợi người dân trong thu hồi đất.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần quan tâm và giải quyết để thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Trong Dự thảo Luật về thu hồi đất đã xác định trong Chương VI với 11 điều. Về cơ bản đã có nhiều đổi mới bám sát định hướng đã xác định.

sua luat dat dai quan tam chinh sach boi thuong ho tro tai dinh cu hinh 2

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Theo luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, liên quan đến thu hồi đất, trưng dụng đất, Dự thảo đã quy định cụ thể, chi tiết những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất.

Căn cứ, thẩm quyển thu hồi đất và quy trình thu hồi đất và trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, còn một số quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện.

Còn TS Nguyễn Quân (Hội Tự động hóa Việt Nam) cho hay, về thu hồi đất và bồi thường khi thu hồi đất, đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất của luật. Do đó, ngoài các dự án vì mục đích an ninh, quốc phòng, cần hạn chế các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở làm rõ tiêu chí xác định loại dự án, chỉ nên bao gồm các dự án quy định tại Khoản 1, Điều 78 có cụ thể hóa “công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” như các công trình giao thông theo quy hoạch (đường, cầu, nhà ga, bến cảng...), trụ sở cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước như: trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu công lập..., công viên, quảng trường, công trình phúc lợi công cộng theo quy hoạch. Các dự án khác phải là loại dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng hoặc Quốc hội.

Như vậy, Nhà nước sẽ chỉ chịu trách nhiệm thu hồi đất và bồi thường đối với số lượng hạn chế các dự án thực sự quan trọng và vì lợi ích quốc gia, công cộng, khi đó mức bồi thường sẽ được áp dụng mức giá đất theo quy định của bảng giá đất do UBND địa phương ban hành hằng năm…

“Ngoài các dự án này, Nhà nước không đứng ra thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án như trước đây, Nhà nước chỉ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án và hướng dẫn chủ đầu tư về quy trình, thủ tục bồi thường và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các chủ đầu tư sẽ phải tự thỏa thuận mức bồi thường với người sử dụng đất khi triển khai thực hiện dự án…”, TS Nguyễn Quân đề xuất.

Minh Chí