Tiền điện tăng làm tăng thêm sự khốn khổ của người Sri Lanka trong khủng hoảng kinh tế
(CLO) Mức tăng giá điện 66% là biện pháp mới nhất của đảo quốc này nhằm giành được khoản vay 2,9 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải quyết khủng hoảng kinh tế.
Áp gánh nặng lên người dân để được IMF cho vay
Đợt tăng giá điện mới nhất ở Sri Lanka, quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế, đã khiến ông chủ quầy hàng Mohammed Lafeel rơi vào tình thế khó khăn: mức tăng giá điện 66% có nghĩa là ông không đủ khả năng trả tiền điện nhưng cũng không thể xoay xở nếu không có điện. Vì vậy, ông Lafeel ngày càng phải vay nợ để duy trì kinh doanh.

Một thợ làm bánh kéo xe bánh mì tại cửa hàng bánh mì Wish, sau khi Chính phủ thông báo tăng giá điện lên 66%. (Nguồn: Reuters/ Dinuka Liyanawatte)
Trong tháng trước, với lạm phát dao động ở mức 55% so với cùng kỳ năm ngoái, Lafeel cho biết thu nhập của ông đã giảm khoảng 1/3 do ít khách hàng mua những món đồ lặt vặt của cửa hàng ông hơn khi nhiều người trong số họ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của hòn đảo trong 7 thập kỷ qua.
Lafeel nói rằng ông không biết làm cách nào để trả lại 300.000 rupee (tương đương 835 USD) mà ông đã vay để tổ chức đám cưới cho con gái trong khi ông phải vay thêm để nối lại điện ở nhà sau khi nó bị cắt vì ông chưa thanh toán hóa đơn.
“Mọi người đều chịu áp lực”, Lafeel nói với Reuters tại gian hàng của mình bên cạnh ga xe lửa chính ở thành phố Colombo, vài ngày sau đợt tăng giá điện thứ hai kể từ lần tăng 75% vào tháng 8 năm ngoái.
"Nhưng làm sao chúng ta xoay xở được nếu không có điện?", ông Lafeel tự hỏi.
Tăng giá điện là biện pháp mới nhất của Sri Lanka nhằm giành được khoản vay 2,9 tỷ USD từ IMF để giải quyết cuộc khủng hoảng phát sinh từ đại dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của nước này cùng với giá dầu tăng cao và cắt giảm thuế theo chủ nghĩa dân túy của chính phủ trước đó.
Tổng thống Ranil Wickeremasinghe nhậm chức vào tháng 7 năm ngoái hứa hẹn sẽ đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng sau các cuộc biểu tình phản đối tình trạng hỗn loạn kinh tế dẫn đến sự sụp đổ của người tiền nhiệm.
Hôm qua (21/2), nội các cho biết các cuộc đàm phán với IMF đang ở giai đoạn cuối. Văn phòng tổng thống cho biết chính phủ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng 3 và giảm dần lãi suất cao kỷ lục theo lạm phát.
“Rất không công bằng”
Giống như hầu hết 22 triệu người dân Sri Lanka, Sanjula Peiris, Giám đốc điều hành của công ty Wish Bakers thuộc sở hữu gia đình, rất cần một sự phá vỡ lạm phát lương thực, đang ở mức cao 60% hàng năm.
Công ty có 15 cửa hàng ở ngoại ô Colombo đã quyết định không tăng giá vì sợ mất khách hàng. Tuy nhiên, chi phí của họ đã tăng gấp 3 lần trong năm qua, với việc hóa đơn tiền điện hiện nay tăng thêm gánh nặng về giá.
"Không chỉ lò nướng, hầu hết máy móc của chúng tôi đều cần nguồn điện. Chúng tôi đang đấu tranh để duy trì hoạt động kinh doanh của mình”, Peiris nói.

Một phụ nữ sử dụng máy may điện tại cửa hàng của mình ở Colombo. (Nguồn: Dinuka Liyanawatte/ Reuters)
Khoảng 200 trong số 5.000 tiệm bánh của Sri Lanka đã đóng cửa, NK Jayawardena, Chủ tịch hiệp hội các tiệm bánh lớn nhất cả nước có tên All Ceylon Bakeries Association cho biết.
Ông Peiris nói, nhiều công ty vẫn đang hoạt động đã sa thải nhân viên.
“Việc tăng giá điện này là rất không công bằng, đặc biệt là khi nó gây ra quá nhiều khó khăn cho người dân”, ông Peiris nói thêm.
Chính phủ đã thừa nhận sự khốn khổ của người dân khi hóa đơn tiền điện cao hơn nhưng cho biết họ không có cách nào khác để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang đè nặng.
Một thợ mộc có tên Mohamed Sathurudeen nói rằng đó là sự an ủi vô tác dụng. Ông nói: “Chúng tôi không đủ khả năng để trả tiền điện tăng giá, chúng tôi đang gặp khó khăn lớn về kinh tế”.
"Nếu chính phủ không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề này, thì chính phủ đã thất bại. Xin hãy giao việc này cho ai đó có thể quản lý nó một cách hợp lý”, ông Sathurudeen nói thêm.
Hồng Vân (Theo Reuters)