Pháp tiếp tục đối mặt với đình công cải cách lương hưu
(CLO) Các công đoàn Pháp đang dự kiến tổ chức các cuộc đình công quy mô lớn từ thứ Ba (7/3), sự kiện sẽ mang tính quyết định với chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron trong việc cải cách lương hưu.
Sau 5 đợt biểu tình khác nhau từ đầu năm đến nay, các cuộc đình công trong tuần này báo trước một giai đoạn mới trong cuộc đối đầu giữa chính phủ và những người phản đối.

Các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở Pháp. Ảnh: AFP
Bài liên quan
Các phụ huynh Iran biểu tình sau làn sóng tấn công chất độc nữ sinh
Người dân Israel tiếp tục biểu tình phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống tòa án
Hàng chục cảnh sát bị bắt làm con tin trong cuộc biểu tình ở Colombia
Hàng nghìn người biểu tình ở Bồ Đào Nha vì chi phí sinh hoạt tăng cao
"Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ tăng tốc nếu cần thiết", người đứng đầu hiệp hội CGT, Philippe Martinez, nói với tờ Journal du Dimanche hôm Chủ nhật.
Hơn 260 cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra trên toàn quốc, với nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở các thị trấn vừa và nhỏ, nơi có sự phản đối mạnh mẽ đối với cải cách lương hưu. Các cuộc đình công dự kiến sẽ ảnh hưởng đến giao thông, ngành năng lượng và các dịch vụ công cộng.
Cảnh sát ước tính có khoảng từ 1,1 đến 1,4 triệu người sẽ xuống đường, một nguồn tin giấu tên cho biết.
Đây sẽ là ngày biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ, cao hơn con số 1,27 triệu người tham gia biểu tình vào ngày 31/1 vừa qua cũng như quy mô hơn các cuộc biểu tình cải cách lương hưu trước đó vào năm 2010.
Các công đoàn đại diện cho công nhân ngành đường sắt quốc gia SNCF, tàu điện ngầm Paris và ngành năng lượng, bao gồm cả các nhà máy lọc dầu, đã lần đầu tiên kêu gọi đình công luân phiên, cùng với sự tham gia của các ngành công nghiệp khác.
Tất cả 8 công đoàn lớn đang tìm cách đưa đất nước vào tình trạng "bế tắc". Các chủ cửa hàng được khuyến khích đóng cửa. Một số tài xế xe tải đã bắt đầu biểu tình từ tối Chủ nhật, gây tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường chính.
Kế hoạch cải cách lương hưu
Kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64 của ông Macron là chính sách được ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Ông gọi sự thay đổi này là "cần thiết" vì dự báo thâm hụt cho hệ thống trong hầu hết 25 năm tới, theo phân tích của thanh tra hưu trí độc lập.
Pháp hiện vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng và các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu, nơi tuổi nghỉ hưu đã được tăng lên 65 hoặc cao hơn khi dân số đang già đi.
Nhưng những người phản đối coi những thay đổi này là không công bằng, khi điều này trừng phạt những người lao động có tay nghề thấp và vào nghề từ sớm.
Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt khẳng định trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy rằng 1,8 triệu người về hưu có thu nhập thấp sẽ được tăng lương hưu lên thêm 100 euro mỗi tháng kể từ tháng 9 nếu cải cách được ban hành.
"Điều đó sẽ không làm cho họ trở nên giàu có, nhưng đó là một nỗ lực đáng kể chưa bao giờ được thực hiện bất chấp những thông báo trong 20 năm qua", ông nói.
Bất chấp các cuộc đình công của các nhà máy lọc dầu gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Clement Beaune hôm Chủ nhật vẫn ủng hộ việc cải cách, cho rằng các cuộc đình công sẽ không diễn ra một cách vô trách nhiệm.
Dự luật này đã được thảo luận tại Hạ viện Pháp và hiện đang được tranh luận tại Thượng viện, nơi dự kiến sẽ được sửa đổi và thông qua. Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng từ cả hai viện dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3 và chậm nhất là vào ngày 26/3.
Quốc Thiên (theo AFP)