Nhiều dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh bị "khai tử"
(CLO) UBND Mê Linh, TP Hà Nội cho biết, có 12 dự án chưa giải phóng mặt bằng, để kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Mê Linh có 64 dự án chậm triển khai, nhiều dự án bị "khai tử"
Mới đây, UBND huyện Mê Linh đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn huyện.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc xử lý các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, UBND huyện Mê Linh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát lại 64 dự án chậm triển khai theo kết luận của Sở Xây dựng Hà Nội.

Khu đô thị mới Prime Group là một trong những dự án được kiến nghị chấm dứt đầu tư. (Ảnh: VNM)
Kết quả cho thấy, có nhiều lý do khiến 64 dự án này chậm triển khai và UBND huyện Mê Linh chia 6 nhóm.
Nhóm thứ nhất, có 12 dự án chưa giải phóng mặt bằng, để kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, 4 dự án bao gồm khu đô thị mới Việt Á, Khu đô thị mới BMC, khu đô thị mới Prime Group, khu nhà ở cao cấp Phương Viên. 4 dự án này UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, tuy nhiên chưa chấm dứt. Do đó, UBND huyện Mê Linh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP Hà Nội quyết định chấm dứt đầu tư 4 dự án trên.
Hai dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư đã được báo cáo Thành ủy thống nhất chấm dứt, dừng thực hiện.
Dự án xây dựng bệnh viện cho người thu nhập cao An Thịnh, dự án trồng cỏ nuôi bò sữa, khu nhà ở Thanh Lâm công ty Phương Viên, khu đô thị mới sông Hồng Thủ Đô cũng được kiến nghị thu hồi đất và chấm dứt dự án.
Riêng dự án khu công nghiệp Quang Minh II, do chưa giải phóng mặt bằng, để hoang hóa nhiều năm, cử tri và nhân dân bức xúc, huyện Mê Linh đã có văn bản gửi Ban quản lý khu công nghiệp Hà Nội đề nghị thu hồi chấm dứt thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị Ban quản lý khu công nghiệp Hà Nội tham mưu UBND TP Hà Nội chấm dứt dự án này và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Nhóm thứ hai, có 4 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa đầu tư xây dựng, bao gồm dự án điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt, dự án khu biệt thự nhà vườn Chi Đông, dự án xây dựng phòng giao dịch Đại Thịnh - BIDV Phúc Yên.
Riêng dự án khu biệt thự nhà vườn Hưng Nga chưa thi công được do người dân ngăn cản đề nghị giải quyết đất dịch vụ.
Nhóm thứ ba, có 11 dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình hoặc đã xây dựng một phần dự án nhưng đến nay chủ đầu tư đang ngừng hiện hiện dự án không theo quy định của pháp luật.
11 dự án bao gồm văn phòng khu biệt thự nhà vườn Tiến Phong, khu nhà ở ven sông Long Việt Riverside, khu nhà ở cho người thu nhập thấp Thân Hà, khu nhà ở Tùng Phương, khu nhà ở để bán Hà Phong,....
Nhóm thứ tư, có 17 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoặc đã giải phóng mặt bằng một phần dự án nhưng đến nay đang ngừng thực hiện.
Cụ thể, khu đô thị mới CEO Mê Linh, trường Đại học Tài chính - Ngân hàng, khu đô thị mới Vilaline, khu đô thị An Thịnh, Khu nhà ở Minh Giang, Đầm Và,...
Riêng 3 dự án khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong, khu đô thị mới AIC, đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Viện Công nghệ thuộc trách nhiệm của UBND huyện sẽ tập trung hướng dẫn để tiếp tục giải phóng mặt bằng.
Nhóm thứ năm có 13 dự án nợ nghĩa vụ tài chính. Các dự án thuộc nhóm này gồm nhà máy sản xuất gạch, khu đô thị mới Chi Đông, khu đô thị mới An Phát, nhà máy cáp điện Hoàng Sơn, khu nhà ở Vinaconex 2, khu nhà ở sinh thái Vạn Thắng, Khu nhà ở Videc, khu đô thị Cienco5, trung tâm bồi dưỡng nhân lực SONA,...
Nhóm thứ sáu, có 5 dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan phải điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Đơn cử như nhà máy may Kimono, nhà máy cơ khí Vina Fuji, nhà máy gỗ Thành Trang,...
Nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp thực hiện 2 năm chưa xong tại 1 Sở
Theo UBND huyện Mê Linh, trong 64 dự án rà soát, có 49 dự án đô thị, nhà ở và 15 thuộc các lĩnh vực khác. Đây đều là các dự án được hình thành trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội và thuộc loại chậm triển khai trên 10 năm nay.
Nguyên nhân khách quan là do điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, chinh sách đất đai thường xuyên thay đổi, chênh lệch giá đất về bồi thường, hỗ trợ giữa 2 tỉnh, thành rất lớn đặc biệt là chính sách đất dịch vụ không kịp thời được tháo gỡ.
Nguyên nhân chủ quan là năng lực các nhà đầu tư còn yếu kém, nhiều chủ đầu tư ôm đất không làm gì gây lãng phí nguồn lực, mất lòng tin.
Ngoài ra, UBND huyện Mê Linh cho biết, qua làm việc, các chủ đầu tư kiến nghị rất nhiều đối với việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, điều chỉnh quyết định giao đất, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng,... đặc biệt nhiều thủ tục thực hiện 2 năm chưa xong tại 1 Sở.
Do đó, huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố lập tổ giải quyết thủ tục hành chính liên ngành, gồm các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Hà Nội để giải quyết các thủ tục hành chính của chủ đầu tư, đảm bảo tính pháp lý cho các dự án tiếp tục triển khai, tránh trường hợp xong Sở này mới sang Sở kia.
UBND huyện Mê Linh cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện đôn đốc nợ thuế và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Các trường hợp hết hạn chủ trương đầu tư, thời hạn sử dụng đất, phải điều chỉnh quy hoạch hoặc đang điều tra,.... vẫn tính thuế, tiền phạt nộp chậm.