Cân nhắc bổ sung khái niệm, quy định về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước
(CLO) Đối với vấn đề sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các khái niệm về tái sử dụng nước, cải tạo nước và tuần hoàn nước…
Cần có hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân
Cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Ủy ban Quốc phòng và An ninh rất quan tâm đến dự án Luật và đã có 2 báo cáo gửi cơ quan thẩm tra. Đồng thời, ông Lê Tấn Tới bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Về bảo vệ các công trình hồ đập có chức năng trữ lượng lớn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới lo ngại nếu các đập này bị vỡ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Do đó, đề nghị bảo vệ hồ đập ngoài trách nhiệm chung thì còn có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu.
Về tích trữ nước ngọt để sản xuất kinh doanh ở vùng xâm nhập mặn, vùng núi, vùng cao, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu dẫn chứng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nước bị xâm nhập mặn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân, do vậy cần có hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hay khi bị hạn hán cũng cần hồ chứa nước nhỏ để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và sinh quyển. Do vậy, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu về các hồ tích luỹ nước để phục vụ cho sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái.
Đối với các sông nối liền với nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần nhấn mạnh và quan tâm đến vai trò hợp tác quốc tế của các Ủy ban trong sử dụng nguồn nước.
Liên quan đến vấn đề khai thác nước ngầm hiện nay, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho rằng, đối với đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù Nhà nước quản lý chặt chẽ khai thác nước ngầm nhưng người dân vẫn khai thác nước ngầm cho sinh hoạt và cho cả sản xuất. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có chế tài để quản lý, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa đảm bảo sinh hoạt của người dân.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu góp ý về vấn đề giải thích từ ngữ tại khoản 2 Điều 3 dự án Luật quy định khai thác, sử dụng nước là hoạt động khai thác tiềm năng, giá trị nguồn nước để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc liệt kê như vậy là không phù hợp, vì có những nội dung không thể liệt kê hết. Vì vậy chỉ nên quy định: khai thác, sử dụng nước là hoạt động khai thác các tiềm năng, giá trị của nguồn nước thông qua công trình lấy nước, trữ nước, chuyển nước, dẫn nước, sử dụng mặt nước…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường góp ý kiến cho dự án Luật.
Đồng tình với ý kiến phát biểu tại phiên họp liên quan đến thuế, phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, các nội dung liên quan đến thuế, phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành về thuế, phí. Nội dung Điều 68 của dự thảo Luật chủ yếu dẫn chiếu các luật về thuế, phí như Luật Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường… Như vậy, quy định Điều 68 của dự thảo Luật không cần thiết.
Về cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoản 1 Điều 69 quy định các trường hợp phải nộp tiền nhưng chưa rõ ràng, trùng lắp với khoản 2 quy định khai thác nước để phục vụ hoạt động dịch vụ sản xuất đã bao hàm các hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, kể cả nông nghiệp, trừ khai thác nước sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo thiết kế lại rõ ràng hơn…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho ý kiến về nguồn lực bảo vệ, phát triển nguồn nước tại Điều 3, đây là nội dung liên quan đến Luật Ngân sách nên việc bố trí ngân sách phải căn cứ vào khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ.
Nên bổ sung quy định về tái sử dụng nước
Cho ý kiến tại phiên họp, bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao, bám sát các nhóm chính sách sửa đổi Luật được Quốc hội thông qua. Mặc dù đây là lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật này nhưng với tinh thần từ sớm, từ xa, dự án Luật đã được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng nguồn nước của chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề, do đó tại chương 3 dự thảo Luật quy định về Bảo vệ tài nguyên nước cần bổ sung thêm khái niệm về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc phát triển tài nguyên nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng đã bị suy yếu, suy giảm thì chúng ta phải có trách nhiệm phục hồi tài nguyên nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát để bổ sung chức năng rất quan trọng của nguồn nước là chức năng phòng chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ; điều hòa, chống úng, chống ngập; hành lang bảo vệ nguồn nước; bổ sung khái niệm hành lang thoát lũ…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng các quy định mà ở trong phần điều hòa, phân phối tài nguyên nước vẫn chủ yếu tập trung vào các các quy hoạch khai thác. Trong khi duy trì khai thác dưới đất cần có các điều khoản để bảo vệ việc bổ sung tự nhiên nguồn nước dưới mặt đất, thu nước mưa trên bề mặt hạn chế bê tông hóa hoàn toàn bề mặt. Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần cố gắng có những quy định để có cạnh tranh, vai trò các thành phần kinh tế trong khai thác và trong sử dụng tài nguyên nước và theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là nên cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo và các khái niệm như về tái sử dụng nước, cải tạo nước và tuần hoàn nước…