Hệ thống Vườn của bé: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, bán hàng không có hóa đơn chứng từ!
(CLO) Nhiều sản phẩm như sữa, thuốc điều trị, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ...trong hệ thống cửa hàng Vườn của bé tại Hà Nội bày bán không ghi tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không xuất hoá đơn chứng từ...
Sản phẩm không tem nhãn phụ
Theo khảo sát thực tế tại các cơ sở của hệ thống cửa hàng Vườn của bé nằm trên các quận của TP. Hà Nội nhận thấy, nhiều sản phẩm hàng hoá như: Sữa cho trẻ em, cho mẹ bầu, các loại thực phẩm chức năng, bỉm, bánh kẹo, mỹ phẩm từ nước ngoài được bày bán với hàng trăm mẫu sản phẩm khác nhau. Đáng chú ý những sản phẩm này đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt và khách mua hàng đều không được xuất hoá đơn đỏ.

Sản phẩm sữa từ nước ngoài dành cho mẹ bầu và trẻ em đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt được bày bán tại cửa hàng hệ thống Vườn của bé.
Cụ thể, ngày 14/2/2023, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã ghi nhận tại cơ sở Vườn của bé tại số 15B Đào Tấn, Ba Đình, TP Hà Nội, loạt sản phẩm sữa bột, thực phẩm chức năng đều không có tem nhãn phụ. Chị N.H.L (một khách hàng giấu tên tại Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Mình được người thân giới thiệu tới đây mua sản phẩm sữa cho mẹ bầu, nhưng chị rất lo lắng về các sản phẩm này khi không có tem nhãn phụ.
“Các sản phẩm khi tôi hỏi về công dụng và cách sử dụng nhân viên tại cửa hàng tư vấn rất chung chung, uống tuỳ theo sở thích, nguồn hàng là nhập khẩu nên không dán nhãn… Tôi có chụp và quay video sản phẩm để hỏi người thân xem sản phẩm đúng loại và hàng chính hãng hay không thì ngay lập tức một nhân viên nổi khùng không cho tôi chụp, quay lại”…chị N.H.L cho biết thêm.

Của hàng Vườn của bé tại số 15B Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội
Cũng tại cơ sở 15B Đào Tấn, phóng viên ghi nhận hàng loạt sản phẩm sữa cho mẹ bầu và trẻ em có nhãn từ các nước như Nhật Bản, Đức, Mỹ nhưng không có tem nhãn phụ. Trong đó, có sản phẩm sữa Morinaga made in Japan, sữa Aptamil được bày trên kệ với nhiều chủng loại đều không có tem nhãn. Nhân viên cửa hàng Vườn của bé luôn miệng khẳng định đây là hàng nhập khẩu. Khi phóng viên đề nghị tư vấn kỹ hơn sản phẩm này được nhập khẩu từ đâu, do công ty nào phân phối, các nhân viên liền tỏ thái độ khó chịu và bỏ đi.
Tiếp tục ghi nhận tại cơ sở Vườn của bé có địa chỉ tại 22 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, các sản phẩm thuốc điều trị cũng được bày bán công khai. Theo đó, nhân viên cửa hàng thông tin các sản phẩm như thuốc trị ho Shest Soothe, thuốc trị nghẹt mũi BRAUR, thuốc trị viêm tai Ear Nosr & Throat ….khách hàng cho trẻ em sử dụng tuỳ chọn theo nhu cầu. Khi được hỏi về việc các loại thuốc có cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hay không thì các nhân viên đều không thể trả lời.

Tại cửa hàng Vườn của bé các loại thuốc điều trị bày bán tràn lan, không cần đơn thuốc hay chỉ định từ bác sĩ và không xuất hoá đơn VAT cho khách hàng
Cùng đó, tại cơ sở này một khách hàng mua sản phẩm có trị giá trên 200.000 VNĐ đề nghị được xuất hoá đơn nhưng đã bị nhân viên từ chối. Khách hàng có nói là cần hóa đơn để về thanh toán cho công ty, nhân viên trả lời: "Từ trước tới giờ bên em không xuất hóa đơn đỏ, chỉ có hóa đơn bán hàng thôi"
Theo thông tin từ các nhân viên tại các hệ thống cửa hàng Vườn của bé, các sản phẩm sữa, thuốc điều trị, thực phẩm chức được nhập khẩu nên không dán tem nhãn phụ, các sản phẩm về thuốc cho trẻ cũng không được tư vấn hay bán theo đơn thuốc…. tất cả do nhu cầu, khách hàng chọn và sử dụng.
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại hệ thống Vườn của bé
Để làm rõ thông tin về hoạt động kinh doanh của hệ thống cửa hàng Vườn của bé, Báo Nhà báo & Công luận đã liên hệ đến Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Cục thuế TP Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế TP Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư Kim Thiên Hải. Tuy nhiên, sau một tháng đặt lịch làm việc đến nay bên phía doanh nghiệp này vẫn không có nội dung phản hồi.
Về phía đại diện Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Nhà báo & Công luận, cơ quan này đã thành lập đoàn kiểm tra hệ thống cửa hàng Vườn của bé và phát hiện hàng loạt sai phạm.
Cụ thể, tại địa chỉ số 15B, Đào Tấn, cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa là 233 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nên không rõ chất lượng, không đảm bảo an toàn sử dụng. Trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 17.660.000 đồng. Đội QLTT số 3 tạm giữ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.
Tại địa chỉ số 322, Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cơ quan chức năng phát hiện trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 26.330.000 đồng. Đội QLTT số 5 cũng tạm giữ hàng hóa để xử lý theo quy định.
Cùng đó, Đội QLTT số 13 kiểm tra, tại cơ sở có địa chỉ số 70 Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy phát hiện trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 4.560.000 đồng, phạt hành chính số tiền là 10.500.000 đồng.
Còn tại cửa hàng kinh doanh tại địa chỉ số 22 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân Trung có hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu về mỹ phẩm, thực phẩm. Trị giá vi phạm là 9.780.00 đồng.
Cửa hàng kinh doanh tại địa chỉ số 38 Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân có hành vi vi phạm hành chính là kinh doanh hàng hóa nhập lậu về mỹ phẩm, thực phẩm trị giá hàng hóa vi phạm là 12.350.000 đồng.
Đáng chú ý, tại địa chỉ số 97 Nguyễn Hữu Thọ, KĐT Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, cơ quan chức năng phát hiện trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 16.089.000 đồng. Phạt tiền 11.000.000 đồng (đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu - có áp dụng tiết tăng nặng do tái phạm).
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.
Được biết, theo Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
- Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
- Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
- Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hoá theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hoá.
Tại điểm b Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định "Hàng hóa nhập khẩu có nhẫn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam" mức phạt vi phạm hành chính có thể từ 500.000 đồng lên đến 100.000.000 đồng.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở kinh doanh thuốc không có giấy chúng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Khoản 4 Điều 11 Thông tu 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bời khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT/BTC quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.