Thanh Hoá: Nhận được hơn 429.000 lượt góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

22/03/2023 22:05

(CLO) Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thanh Hoá đã tiếp nhận được 429.337 lượt ý kiến của tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng loạt các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền rộng rãi và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến trong nhân dân.

thanh hoa nhan duoc hon 429000 luot gop y vao du thao luat dat dai sua doi hinh 1

Tuyến đường đại lộ Lê Lợi kéo dài ở thành phố Thanh Hóa.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế phát sinh trong thực tiễn liên quan đến đất đai. Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật đã nêu lên những điểm còn chưa hợp lý, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến xác thực liên quan đến chính sách đất đai, quy hoạch sử dụng đất, quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, chính sách tài chính về đất đai. 

Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo nên bổ sung thêm các trường hợp đã sử dụng đất lâu dài không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch chung, thì khi thực hiện dự án được ưu tiên giao đất không qua đấu giá đấu thầu. Cử tri đề nghị luật nên quy định ban hành giá đất định kỳ 5 năm và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Theo Sở TN&MT, qua tổng hợp các ý kiến góp ý, nhân dân tập trung vào 9 vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật, phản ánh rõ tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Việc tổng hợp các ý kiến một cách trung thực, đầy đủ và khách quan sẽ góp phần xây dựng một đạo luật hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và các quan hệ liên quan đến đất đai.

Đến ngày 15/3/2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 7.865 hội nghị và nhận được 429.337 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo kết quả tổng hợp, Sở TN&MT Thanh Hoá đã tổng hợp thành 608 nhóm ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).  

Tại Thanh Hoá, các đối tượng được lấy ý kiến gồm các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các cấp huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh;...

Theo đánh giá chung, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, thể chế các định hướng chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nội dung dự thảo Luật đã được bổ sung chi tiết hơn (tăng cả số Chương và số Điều so với Luật hiện hành); sửa đổi những nội dung quy định còn bất cập trong thực hiện (về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...); đồng thời cũng bổ sung những chính sách mới mà Luật hiện hành chưa có quy định để điều chỉnh (bổ sung giải thích nhiều từ ngữ, chế độ đất trên không, sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích,...).

Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và quy định của pháp luật chuyên ngành khác; quy định về đấu giá, đấu thầu, điều kiện bảo đảm năng lực của các chủ thể tham gia đấu giá, đấu thầu; quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất... chưa cụ thể, rõ ràng, chưa bao quát được trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Theo tiến độ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ kết thúc vào ngày 15/3/2023. Ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

Hà Anh