G7 cam kết chuyển đổi nhanh sang năng lượng tái tạo

17/04/2023 11:01

(CLO) Các Bộ trưởng năng lượng và môi trường của Nhóm G7 cho biết sẽ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng không đưa ra thời gian biểu cho việc loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than sau 2 ngày đàm phán tại Sapporo, Nhật Bản.

Các quan chức đã đưa ra một thông cáo dài 36 trang, nhấn mạnh các cam kết của họ trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5. Nhật Bản đã giành được sự tán thành từ các quốc gia G7 cho chiến lược năng lượng than sạch, hydro và hạt nhân để giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

g7 cam ket chuyen doi nhanh sang nang luong tai tao hinh 1

Hội nghị các Bộ trưởng nhóm G7 về khí hậu và năng lượng tại Nhật Bản. Ảnh: JT

Bài liên quan

Nhật Bản cam kết đảm bảo an toàn cho các cuộc họp G7

Cuộc chiến Ukraine và an ninh châu Á là tâm điểm cuộc họp G7 ở Nhật Bản

Chủ tịch G7 Nhật Bản được kêu gọi tập trung vào các vấn đề khác ngoài Ukraine

Nhóm G7 và ông Zelenskyy họp bàn nhân 1 năm cuộc chiến Ukraine

“Nhận thức được cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay và sự gián đoạn kinh tế, chúng tôi tái khẳng định cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sang mức phát thải khí nhà kính (GHG) bằng 0 chậm nhất vào năm 2050”, thông cáo viết.

“Chúng tôi kêu gọi và sẽ làm việc với các quốc gia khác để chấm dứt các dự án sản xuất điện đốt than mới trên toàn cầu càng sớm càng tốt để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch một cách công bằng”, thông cáo nói thêm.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc giảm lượng khí thải carbon và khử carbon trong ngành sản xuất điện vào năm 2035. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung cấp các khoáng chất quan trọng, được sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, ổn định và phù hợp với các yêu cầu tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao.

“Tôi tin rằng chúng tôi có thể chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng cam kết của chúng tôi đối với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường là không lay chuyển, ngay cả trong bối cảnh tình hình ở Ukraine”, ông Akihiro Nishimura, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, cho biết sau khi cuộc đàm phán kết thúc.

Các Bộ trưởng đã đồng ý ưu tiên các bước tiến tới loại bỏ dần việc sản xuất điện than. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu, John Kerry, cho biết các cuộc họp “thực sự mang tính xây dựng”.

Lời kêu gọi hành động được đưa ra khi Trung Quốc và các nước đang phát triển khác tăng cường yêu cầu giúp đỡ nhiều hơn trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và ổn định giá và nguồn cung cấp năng lượng.

Việc đặt ra mốc thời gian để loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than là một điểm vướng mắc lâu nay. Gần 30% lượng điện của Nhật Bản tới từ than đá và nước này cũng đang thúc đẩy việc sử dụng than sạch, sử dụng công nghệ để thu giữ khí thải carbon.

Các quốc gia G7 chiếm 40% hoạt động kinh tế của thế giới và 25% lượng khí thải carbon toàn cầu. 

Chủ tịch được chỉ định cho các cuộc đàm phán về khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc, COP28, người cũng tham dự các cuộc đàm phán ở Sapporo, đã đưa ra một tuyên bố thúc giục các quốc gia G7 tăng cường hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của các nước đang phát triển.

“Chúng ta phải tạo ra một thỏa thuận công bằng hơn cho Nam bán cầu”, Sultan Al Jaber của UAE cho biết. Ông nói, các nước phát triển phải tuân theo cam kết trị giá 100 tỷ đô la mà họ đã đưa ra tại cuộc họp COP15 năm 2009. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Dubai vào cuối tháng 11.

Các cuộc đàm phán ở Sapporo cũng mang lại những cam kết hợp tác về các chính sách môi trường khôn ngoan và công bằng về năng lượng, nước, nông nghiệp và biển. Các bộ trưởng cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa, nhằm đưa ô nhiễm nhựa mới về 0 vào năm 2040.

Quốc Thiên (theo AP)