Xuất hiện tình trạng giả mạo người nổi tiếng, cơ quan tổ chức uy tín để lừa đảo
(CLO) Giả mạo thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là vấn nạn diễn ra từ nhiều năm trở lại đây những chưa được giải quyết dứt điểm. Trong thời gian gần đây, các đối tượng còn thay đổi thủ đoạn, giả mạo những người nổi tiếng, cơ quan tổ chức như Giáo hội Phật giáo để lừa đảo.
Giả mạo từ người nổi tiếng
Trong những năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh với độ phủ rộng đến các tầng lớp, độ tuổi người dùng, đặc biệt là trên các nền tảng Youtube, Tiktok. Cũng từ đó, một nhóm người có sức ảnh hưởng hay còn gọi là KOL - Key Opinion Leader xuất hiện. Với việc thu hút hàng triệu người theo dõi, các tài khoản mạng xã hội của các KOL là một kênh gửi nội dung sáng tạo đến người xem và cũng là nơi tương tác với người xem một cách hiệu quả nhất.
Lợi dụng điều đó, các đối tượng lừa đảo đã làm giả thông tin của các KOL để từ đó tìm cách lừa đảo bằng các hình thức tuyển dụng, bán hàng, tặng quà thu phí... Đáng nói, ngoài việc mạo danh người nổi tiếng, các đối tượng này còn bỏ tiền chạy quảng cáo để tiếp cận được nhiều nạn nhân hơn. Nhiều người sau khi bị lừa cho biết, do nhìn thấy logo, hình ảnh của người nổi tiếng, cùng với đề xuất từ phía Facebook nên mới tin tưởng đó là tài khoản thật sự.

Hình ảnh các KOL bị đối tượng sử dụng để đăng tin tuyển dụng trên các trang giả mạo
Mới đây, theo thông tin cảnh báo từ Ngô Đức Duy (Duy Thẩm) – một KOL với gần 10 triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, một số đối tượng đã lợi dụng hình ảnh của anh để đăng tin tuyển dụng làm việc tại nhà với mục đích lừa đảo.
Ngay sau khi phát hiện các thông tin này, phía công ty của Duy cũng như cá nhân anh đã đăng ngay thông tin đính chính, để tránh bị các đối tượng lợi dụng hình ảnh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biện pháp rất hạn chế bởi đến khi Facebook có thể khóa được tài khoản mạo danh thì cũng đã có quá nhiều người tiếp cận thông tin giả.
Ngoài trường hợp của Ngô Đức Duy, còn nhiều người nổi tiếng khác cũng bị làm giả thông tin để tiếp cận người dùng, đặc biệt là trong nhưng buổi livestream của KOL trên mạng xã hội.

Các đối tượng còn sẵn sàng bỏ tiền chạy quảng cáo để tiếp cận nhiều nạn nhân hơn
Theo đó, hiện nhiều KOL làm đại diện, trực tiếp đứng livestream để bán hàng cho các nhãn hàng thuê quảng cáo. Lợi dụng điều đó, các đối tượng lừa đảo trà trộn vào buổi livestream như một khách xem bình thường. Khi KOL quảng bá, rao bán một sản phẩm nào đó, chúng nhanh chóng xác định được nạn nhân vừa đặt hàng, gọi tên trên live và dùng tài khoản giả mạo để liên hệ trực tiếp cho nạn nhân để lấy thông tin mua hàng.
Do có lòng tin vào một người nổi tiếng, nạn nhân đã chuyển khoản hoặc thanh toán tiền khi nhận hàng mà không kiểm tra kĩ. Đến lúc phát hiện mình bị lừa thì tài khoản Facebook giả kia đã biến mất. Lúc này, nạn nhân lại quay ra bắt đền KOL “chính chủ” mặc dù người này không hề hay biết gì.
Hiện nay để tránh nạn lừa đảo làm giả thông tin, một số KOL cũng như người dùng đang dựa vào các tài khoản có "tích xanh" của Facebook, Tiktok để phân biệt tài khoản “chính chủ”. Tuy nhiên, việc sở hữu dấu hiệu xác thực này cũng không dễ dàng và mất nhiều chi phí nên khiến nạn làm giả thông tin kéo dài, không giải quyết được dứt điểm.
Việc khó giải quyết một phần cũng đến từ chính các nền tảng mạng xã hội, mặc dù trong tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram… đều có các điều khoản bảo vệ và xác thực danh tính. Tuy nhiên, việc phát hiện mạo danh chỉ khi nào có người báo cáo hoặc bị rà soát bởi hệ thống của các trang mạng xã hội.
Thêm vào đó, với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã chủ động chặn tài khoản chính chủ của các KOL trước. Vì thế mà một số trang lừa đảo chỉ bị phát hiện khi có người dùng hiểu biết, báo cáo cho chủ nhân bị giả mạo để tiến hành báo cáo.
Cho đến các cơ quan, tổ chức
Không chỉ người nổi tiếng mà nhiều cơ quan tổ chức cũng đang là nạn nhân của nạn lừa đảo, giả mạo danh tính. "Nạn nhân" gần đây nhất đã phải lên tiếng cảnh báo người dân vì bị làm giả Fanpage đó lại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cụ thể, trong thời gian gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một Fanpage giả có tên là "Hội Phật Giáo Việt Nam", tương tự với trang fanpage "Phật giáo Việt Nam" của Cổng thông tin Phật giáo, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm đăng tải kêu gọi chuyển tiền từ thiện.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về các hành vi kêu gọi từ thiện có dấu hiệu giả mạo này
Các đối tượng này đã sử dụng hình ảnh vô cùng đáng thương của các cháu bé nằm điều trị tại bệnh viện, thông qua đó kêu gọi từ thiện của các nhà hảo tâm. Trong mỗi bài viết, các đối tượng đăng tải lên một tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ thiện, tự nhận là của bố cháu bé. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải phát đi thông tin cảnh báo về hành vi có dấu hiệu lừa đảo bằng từ thiện này.
Theo các chuyên gia, để tránh bị lừa đảo bởi các thủ đoạn đã nêu trên, người dùng nên nâng cao cảnh giác trước khi tiếp cận bất kì một Fanpage hay trang cá nhân nào khi có nhu cầu làm dịch vụ.
Đồng thời nâng cao khả năng nhận biết các trang web, Fanpage, trang cá nhân thật giả thông qua các dấu hiệu như tích xanh, bài viết đăng tải (đúng nội dung chủ đề của page, sử dụng website chính thống, nội dung có đầu tư), thời gian đăng tải (page giả thường có thời gian đăng dồn dập trong vài ngày)…
Còn theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin truyền thông cho biết, giả mạo là hình thức chiếm gần 75% các vụ lừa đảo trực tuyến ghi nhận được. Do đó, người dùng mạng cần tìm hiểu kỹ đối tượng và cơ quan đăng tin tuyển dụng, cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng.