Tăng giá điện để người dân có ý thức sử dụng tiết kiệm?

04/05/2023 08:29

(CLO) Có ý kiến cho rằng, nếu không điều chỉnh giá điện sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 4/2023, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Giá điện sẽ tăng trong thời gian tới.

Ông Hải cho rằng, mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hòa lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho EVN, lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát.

tang gia dien de nguoi dan co y thuc su dung tiet kiem hinh 1

Nếu không điều chỉnh giá điện sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm. (Ảnh: EVN)

Trong khi đó, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, giá các nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện đều đã tăng. Đơn cử như giá than trộn bình quân trong năm 2022 đã  tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Giá khí cũng tăng 27,4% trong khi tỷ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021 khiến doanh nghiệp sản xuất điện gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cao.

Do đó, việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện, lộ trình tăng thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, theo quy định, nếu giá điện được tính toán tăng dưới 5%, thẩm quyền sẽ thuộc EVN, 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, 10% trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng liên quan tới vấn đề tăng giá điện, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng 9,27% so với năm 2021. Do không điều chỉnh giá điện nên năm 2022, EVN lỗ trên 26,4 nghìn tỷ đồng. Riêng quý I/2023, dự tính EVN tiếp tục lỗ 18,4 nghìn tỷ.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp, khi đó dự kiến tổng số lỗ luỹ kế của hai năm 2022 và 2023 khoảng trên 68,7 nghìn tỷ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đưa đến hiện tượng El Nino và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng lần gần đây nhất vào tháng 3 năm 2019, với mức tăng 8,36%, đã 4 năm điện không tăng giá, trong khi đó khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu.

"Nếu không điều chỉnh giá điện sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm", TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Theo ông, khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí để giảm giá thành sản phẩm, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn; đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

Mặt khác, nếu vốn nhà nước tại EVN không được bảo toàn và mở rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đầu tư gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của nền kinh tế. Đồng thời, gây khó khăn và cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước ta vì sản xuất năng lượng tái tạo đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn.

"Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tính toán, điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện càng sớm càng tốt", TS. Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm.

Định Trần