Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản"
(CLO) Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản để trang trải chi phí, để tồn tại.
Doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn
Trong báo cáo thẩm tra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Trong quý I/2023, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn. (Ảnh: VEM)
Trích dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, tình hình thị trường bị thu hẹp với khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn kéo dài.
Cụ thể, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, tiếp đến là các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân, thủ tục vay vốn phiền hà.
Cũng có tình trạng doanh nghiệp phải ‘bồi dưỡng’ cho cán bộ tín dụng để vay vốn và cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp.
Một số khó khăn đáng chú ý khác bao gồm biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm nhà cung cấp.
Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất được thuận lợi, thông suốt và vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.
Liên quan về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhận định riêng về khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn, tạo ra ảnh hưởng dây chuyền tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, nhất là hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau cũng như tác động tới niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, người dân.
“Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán hết tài sản, những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài. Đây là câu chuyện thâu tóm chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Có một số địa phương "đá bóng" trách nhiệm lên trung ương?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn nhất nhất hiện nay là tâm lý của thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp.
Ông kể, riêng năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời là 604 văn bản cho một địa phương. Nhưng quan trọng rằng, tất cả các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố.
"Đấy là một hiện tượng né tránh, một hiện tượng đùn đẩy, hiện tượng đá bóng, đá lên trên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì”.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)
Liên qụan đến khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng nhìn nhận điều hành tín dụng là có vấn đề, lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết lại quá, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn.
Khó khăn tiếp theo của doanh nghiệp được Bộ trưởng nêu là các thủ tục đầu tư hiện nay hoặc phải mất độ 2 năm mới giải quyết được 1 vấn đề, có thủ tục mất một năm, các doanh nghiệp không thể làm được.
“Người ta đã lo ngại như thế, kinh tế đã khó khăn như thế nhưng tinh thần giải quyết công việc không có, cho nên rất khó”, ông nói.
Về môi trường đầu tư, theo Bộ trưởng là “rất kẹt”. Trước đây, Nghị quyết 02 chính là Nghị quyết 19 về môi trường đầu tư kinh doanh để riêng, năm vừa rồi lại nhập vào một, nên mờ nhạt đi.
“Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. Chúng tôi đã giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là đơn vị chuyên theo dõi vấn đề này đang tổng rà soát lại xem các văn bản của các bộ, ngành cái nào trái quy định, cái nào đi ngược với các quy định của luật pháp, hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp. Đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, nó làm cản trở và làm ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế hiện nay”, Bộ trưởng nêu.