Cảm động chồng U70 chăm vợ chạy thận gần 20 năm 

18/05/2023 14:21

(CLO) Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, những bệnh nhân tại Xóm Chạy thận (Ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi khát khao được sống, được ở bên người thân.

Chúng tôi đến xóm chạy thận vào một buổi trưa hè oi ả, xóm nằm khuất lấp, khiêm tốn giữa những căn nhà cao tầng khác. Khu xóm hiện có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp.

Vì chi phí cho thuốc men chữa trị cao nên các bệnh nhân chọn cho mình một nơi ở với giá tiền rẻ nhất để tiết kiệm, bù đắp cho chi phí chữa bệnh. Đó là những căn phòng trọ được lợp mái tôn, ẩm thấp có diện tích chưa đến 8m2, mức giá 1.500.000 đồng/tháng chưa kể chi phí điện, nước.

cam dong chong u70 cham vo chay than gan 20 nam hinh 1

Xóm chạy thận ở Hà Nội (Ảnh: Tường Vy)

“Nhà có một người chạy thận là đủ tan nát rồi”

Đi sâu vào trong con ngõ 121, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ với bàn tay chằng chịt những vết lồi to của động mạch và đầy vết sẹo hằn lên da thịt mà được coi là “đặc điểm nhận dạng” của những bệnh nhân ở xóm chạy thận. 

Sau khi từ bệnh viện trở về căn nhà lụp xụp vào 11h trưa, bà Nguyễn Thị Giang, 65 tuổi (Thanh Hóa) vẫn đang còn rất yếu bởi ca chạy thận sáng nay.  

cam dong chong u70 cham vo chay than gan 20 nam hinh 2

Bà Giang và chồng đã 20 năm sống tại "xóm chạy thận". (Ảnh: Tường Vy)

Mỗi cư dân trong xóm nhỏ này đến từ khắp các tỉnh thành của miền Bắc; có người vừa lên được vài tháng, có người đã ở trọ 15 năm; có thanh niên trẻ chưa đến 30 tuổi; và có cả bà Giang đã chống chọi với căn bệnh quái ác hơn 20 năm trời.

Mỗi người, mỗi nhà một hoàn cảnh, nhưng họ đều có chung một số phận: kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn kinh tế vì chạy thận. 

cam dong chong u70 cham vo chay than gan 20 nam hinh 3

Căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 8 mét vuông của vợ chồng ông Hạnh bà Giang (Ảnh: Tường Vy)

Trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn đặt một chiếc giường đơn, tất cả sinh hoạt đều nằm trong một “hình hộp bằng bê tông” chưa đến 8m2 là căn phòng của vợ chồng bà Giang và ông Hạnh. 

Vừa nấu ăn cho vợ, ông Hạnh vừa tâm sự: “Hôm qua bà bị chảy máu ở cầu tay nhân tạo, máu chảy không ngớt nên sáng nay ở viện về vẫn còn mệt nhiều. Chỉ mong bà ấy ngủ được một tí cho lại sức. Khổ lắm nhưng vẫn phải tích cực, ở xóm này mỗi nhà có một người chạy thận là đủ tan nát rồi.”

cam dong chong u70 cham vo chay than gan 20 nam hinh 4

Bữa trưa vội trong mồ hôi của người bệnh chạy thận ở thủ đô (Ảnh: Tường Vy)

Vén nhẹ tay áo bà Giang, chúng tôi sững sờ bởi trên cánh tay gầy guộc, khẳng khiu, có đến 2,3 u cục to hơn nắm tay trẻ sơ sinh. Cánh tay trái của bà Giang bị chọc ven 20 năm trời nay đã “chết” hẳn. Phần tay phải cũng chai nhiều, sắp tới phải “làm” lại thì mới có thể tiếp tục điều trị.

cam dong chong u70 cham vo chay than gan 20 nam hinh 5

Cánh tay chi chít những vết kim truyền của bà Giang sau 10 năm chạy thận. (Ảnh: Tường Vy)

Đau đớn là thế, bệnh tật là thế, nhưng 2 thập kỷ trôi qua ông Hạnh vẫn ngày đêm bên cạnh tiếp thêm động lực, niềm tin cho vợ của mình đang đứng trước cửa tử thần. Đều đặn, cứ 3 buổi một tuần, ông Hạnh lại chở vợ trên chiếc xe đã “mòn bánh” vào viện điều trị, bởi “nếu không đi theo đúng lịch, mắt sẽ híp chặt vào và người cũng trở nên “bẹp dí” ngay.

Sờ mãi những cục u nổi trên cánh tay, bà Giang cất lời: “Lần nào chọc ven cũng rất đau, mỗi lần nghĩ đến lại gai người. Cứ tưởng tượng dùi nó đâm vào tường thế nào thì mình cũng có cảm giác y như vậy. Thế mà tuần nào cũng phải chọc, đau đớn lắm”.

Những cuốc xe ôm nhặt giúp vợ “sống còn”

Khi hỏi chuyện về công việc của mọi người trong xóm hiện nay, ông Hạnh chia sẻ chân thành: "Nói thật là mọi người cũng muốn có công việc ổn định một chút để thêm vào tiền thuốc men, đỡ cho gia đình ở quê một phần nào, nhưng mà sức khỏe yếu quá không biết làm thế nào được, hầu như ai cũng bấp bênh. Nhà tôi may mắn hơn một tí, sống ở thành phố đất chật người đông này tôi chỉ cố gắng kiếm sống nuôi vợ bằng chiếc xe máy cọc cạch này.” - vừa nói ông Hạnh vừa chỉ tay vào chiếc xe máy đã cũ nhưng là cả thu nhập để sống qua ngày của hai vợ chồng. 

cam dong chong u70 cham vo chay than gan 20 nam hinh 6

Hình ảnh ông Hạnh chở bà Giang đi bệnh viện để chạy thận (Ảnh: Tường Vy)

Vì bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối không thể bỏ lọc máu, gần 20 năm nay, bất kể nắng hay mưa, thậm chí trong cả những ngày gió bão, lịch trình của ông bà vẫn không thay đổi. 1 tuần 3 lần vào thứ hai, tư, sáu, ông Hạnh lại đều đều chở vợ lên bệnh viện để chạy thận. Những chuyến đi ấy của bà Giang, gần như chưa bao giờ thiếu bóng dáng của người chồng xấp xỉ bát tuần.

Mấy hôm nay thời tiết Hà Nội bắt đầu vào chuỗi ngày nóng như đổ lửa, nhìn lên trần nhà cách đầu chỉ đúng vài gang tay, ông Hạnh lại lo sợ vợ chịu không nổi: “Những ngày nắng nóng tôi thương bà lắm. Chạy xe ôm ngoài đường nắng nóng, tôi không thấy mệt, tôi chỉ lo bà ấy ở nhà có chịu được không. Cuộc sống còn đầy khó khăn nhưng tôi trân trọng từng ngày ở bên bà ấy.”

Hàng ngày, với cơ thể đầy bệnh tật, những bệnh nhân ở đây vẫn luôn chật vật với đủ ngành nghề để có thể duy trì chi phí chạy thận và mưu sinh. Người còn trẻ thì đi rửa bát, giúp việc; người già thì bán nước, nhặt ve chai, chạy xe ôm. Khi không còn đủ sức để mưu sinh mà không có người thân bên cạnh, họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là giảm ăn, giảm thuốc thì cũng đồng nghĩa với sự sống bị rút ngắn.

Xa gia đình, nơi ở tồi tàn, điều kiện sống khó khăn vất vả, thế nhưng nhiều người quyết định bám trụ lại xóm chạy thận dù có cơ hội về quê, vì ở đây có những người “như gia đình” đồng cảnh ngộ, luôn chia sẻ và nương tựa vào nhau hay đơn giản chỉ là... tránh làm phiền con cái. 

CTV