Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang đứng trước bờ vực sống còn

18/05/2023 17:52

(CLO) Ở thời điểm hiện tại, qua theo dõi, Bộ Công Thương nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực sống còn.

Doanh số ô tô tiếp tục lao dốc

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2023, doanh số bán xe tiếp tục giảm mạnh. Đối với các thành viên trong VAMA, trong tháng 4, doanh số  đạt 20.667 xe các loại, giảm 46% so với tháng 4/2022 và giảm 21% so với tháng 3/2023.

Trong số này, phân khúc xe du lịch chứng kiến việc giảm mạnh nhất trong các phân khúc khi giảm tới 54% so với tháng 4/2022 và giảm 25% so với tháng 3/2023.

cac doanh nghiep san xuat o to trong nuoc dang dung truoc bo vuc song con hinh 1

Bộ Công Thương nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực sống còn. (Ảnh: Moit)

Đối với các thành viên ngoài VAMA, doanh số cũng không khá khẩm hơn là bao. Đơn cử, trong tháng 4, doanh số của Hyundai ước đạt 4.592 chiếc, trong khi tháng 3/2023 bán được 5.773 chiếc. Ghi nhận cho thấy, doanh số của Hyundai liên tục tụt dốc kể từ tháng 11/2022 cho tới nay.

Trong khi đó, trong báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Toyota Việt Nam, doanh nghiệp FDI lớn của tỉnh Vĩnh Phúc có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% - tương đương giảm 1.760 xe và mức tồn kho tăng 347% - tương đương tăng 1.931 xe.

Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, giữ nhịp sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung. 

Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán...

Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang đứng trên bờ vực sống còn

Liên quan tới đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 18/5, lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục Công nghiệp đều tán thành với đề xuất này.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Qua báo cáo của VAMA có thể thấy được, doanh số bán ô tô của nhiều doanh nghiệp đang giảm rất mạnh, khiến hàng tồn kho tăng cao.

Theo ông Thành, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, như việc tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, lãi suất lại cao, tỷ giá cũng như lạm phát đã ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiêu thụ của thị trường, cũng như tác động mạnh tới dòng tiền của doanh nghiệp.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, các Hiệp hội cùng các địa phương có các nhà máy sản xuất ô tô để tìm ra phương án giải quyết. 

“Bộ Công Thương đã báo cáo với Chính phủ không chỉ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, chúng tôi còn đề xuất xem xét gia hạn chậm nộp một số loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng”, ông Thành nói.

Ông Thành tiết lộ, hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xem xét, và Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến về đề xuất này.

“Chúng tôi đang bám rất sát Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, chúng tôi đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước ngay trong năm 2023, tuy nhiên, thời gian cụ thể thế nào là do Chính phủ xem xét”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công Thương đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Trước đó, trong giai đoạn 2020 - 2021, Chính phủ đã thông qua đề xuất này, điều này đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp sản xuất.

cac doanh nghiep san xuat o to trong nuoc dang dung truoc bo vuc song con hinh 2

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục Công nghiệp đều tán thành với đề xuất giảm lệ phí trước bạ. (Ảnh: Moit)

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Ở thời điểm hiện tại, qua theo dõi, Bộ Công Thương nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực của sự sống còn.

“Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã đưa ra một số giải pháp để kích cầu thị trường, ví dụ như giảm giá bán xe, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền, hoặc có sự tiếp sức của nhà nước, các doanh nghiệp này khó có thể giữ được khả năng sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hải nói.

Do đó, với quyền hạn của mình là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, Bộ Công Thương đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, như đã từng thực hiện trước đó.

Trước đây, có một số ý kiến quan ngại, việc giảm lệ phí trước bạ có thể ảnh hưởng tới dòng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, quan ngại này không có căn cứ.

Bởi lẽ, trong đợt giảm lệ phí trước bạ vào năm 2021, không những không làm giảm ngân sách, mà việc giảm phí còn giúp tăng ngân sách địa phương.

“Việc giảm lệ phí trước bạ, đồng nghĩa với việc kích cầu thị trường, doanh số tăng, đương nhiên ngân sách từ việc bán hàng cũng tăng. Theo tính toán, trong đợt giảm lệ phí trước bạ trước đã giúp ngân sách tăng thêm 2.000 tỷ đồng”, ông Hải khẳng định.

Thống kê của Bộ tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ), lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lệ phí trước bạ lần đầu là 102.924 xe, bình quân hơn 17.500 xe/tháng. 

Còn 6 tháng cuối năm khi được hưởng chính sách ưu đãi này, số lượng xe đăng ký lên tới 209.584 xe, bình quân gần 35.000 xe/tháng, tăng 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Việc ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ trong 6 tháng năm 2020 đã khiến số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỉ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước về ô tô lại tăng 14.110 tỉ đồng.

Bước sang tháng 1/2021, thời điểm chính sách giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lần 1 hết hiệu lực, doanh số thị trường ô tô Việt Nam lại sụt giảm đáng kể. Từ mức tiêu thụ 47.865 ô tô các loại trong tháng 12/2020, doanh số toàn thị trường giảm chỉ còn 26.432 xe, tương đương mức sụt giảm 44,8%.

Tới tháng 12/2021, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước quay trở lại, ngay lập tức đã có 103.722 xe đăng ký - tăng 2,67 lần so với tháng 11/2021. 

Số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2022 là 398.177 xe, tức là tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021 - là thời điểm không có hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước.

Việt Vũ