Lợi nhuận Quý 1 lao dốc tới 98%, Sợi Thế Kỷ (STK) đang phải tăng cường vay nợ
(CLO) Kết quả kinh doanh Quý 1 của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) giảm tới 98%. Dòng tiền kinh doanh âm tới 62 tỷ đồng, STK đang phải tăng cường vay nợ ngắn hạn.
Sợi Thế Kỷ lên phương án trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt như mọi năm
CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã STK) có tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thế Kỷ. Công ty được thành lập từ năm 2000 và bắt đầu niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2015 với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là sản xuất sợi tơ tổng hợp, dệt kim.
Vừa qua, Sợi Thế Kỷ đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được cổ tức là 15 cổ phiếu mới phát hành thêm.

Lợi nhuận Quý 1 năm 2023 của Sợi Thế Kỷ (STK) giảm sâu tới 98% do đơn hàng bị thu hẹp đáng kể (Ảnh TL)
Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng là 5/7/2023. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/7/2023. Thời gian chi trả cổ tức sẽ là vào Quý 3 năm 2023 tới đây.
Về lịch sử trả cổ tức trong các năm trước đây thì trong 4 năm trở lại đây, Sợi Thế Kỷ đều trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tính từ năm 2018 đến năm 2021. Vào tháng 8 năm 2022, công ty có thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông với tỷ lệ 5:1, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 20/6/2023, cổ phiếu STK đang có giá 28.750 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh Quý 1 lao dốc nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng bất thường
Một điều đáng chú ý đó là kết quả kinh doanh của Sợi Thế Kỷ liên tục sụt giảm trong các quý gần đây. Đặc biệt là trong Quý 1 vừa qua nhưng giá cổ phiếu vẫn không có dấu hiệu bị ảnh hưởng mà thậm chí còn tăng so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể thì trong Quý 1 năm 2023, doanh thu của Sợi Thế Kỷ đạt 288 tỷ đồng, giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cao, chiếm tới 270 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn lại 18 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,5% xuống chỉ còn 6,3%.
Doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp 3 lần, từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng nhưng ngược lại, chi phí tài chính gia tăng mạnh từ 5 tỷ lên 13 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết chế, lần lượt ghi nhận ở mức 3 tỷ và 14 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, Sợi Thế Kỷ còn lại 1,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 98% so với cùng kỳ.
Không những vậy, nếu xét tổng thể xu hướng của doanh thu và lợi nhuận thì có thể thấy rằng cả 2 chỉ tiêu này của STK đều giảm dần trong 4 quý liên tiếp gần đây. Cụ thể thì từ Quý 2 năm 2022, doanh thu công ty đạt 530 tỷ đồng, giảm dần từng quý và chỉ còn 288 tỷ trong Quý 1 năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 69 tỷ đồng tại Quý 2 năm 2022 xuống còn 1,6 tỷ đồng tại Quý 1 năm 2023.
Phía STK giải trình về sự sụt giảm trầm trọng của doanh thu với lý do là bởi các khách hàng gián tiếp và trực tiếp đều thu hẹp quy mô đơn hàng. Điều này khiến cho công ty dù đã phải tiết chế lại các khoản chi phí nhưng vẫn phải gánh chịu thua lỗ.
Dòng tiền kinh doanh âm hàng chục tỷ đồng, Sợi Thế Kỷ đang phải tăng cường vay nợ
Tại thời điểm kết thúc Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của STK đạt 2.175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó hàng tồn kho đang chiếm khoảng 465 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu kỳ.
Tiền và các khoản tương đương tiền gia tăng từ 235 tỷ đồng lên 311 tỷ đồng nhưng công ty đã không còn khoản đầu tư tài chính 180 tỷ đồng ghi nhận ở đầu kỳ. Điều này cho thấy rằng các tài sản có tính linh động cao của STK thực tế đang giảm chứ không tăng.
Một điểm đáng chú ý khác đó là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của STK đang ghi nhận âm tới gần 63 tỷ đồng. Trong đó đáng kể nhất là việc tiền lãi vay phải trả trong kỳ tăng từ 1,2 tỷ lên 3,6 tỷ đồng. Như vậy, riêng tiền lãi vay phải trả trong kỳ của Sợi Thế Kỷ đã tăng gấp 3 lần.
Kinh doanh khó khăn, dòng tiền kinh doanh âm, chỉ tiêu tài chính về vay nợ ngắn hạn của Sợi Thế Kỷ cũng đang có chiều hướng gia tăng. Theo đó, nợ ngắn hạn gia tăng từ 308 tỷ đồng lên 348 tỷ đồng, tăng 13% so với số đầu kỳ.