Cần phải “số hóa”, kết nối dữ liệu trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông vận tải
(NB&CL) Góp ý cho dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, lĩnh vực này sẽ phát sinh những tiêu cực, bất cập trong thực tiễn, vì vậy cần phải “số hóa”, kết nối dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động đảm bảo trật tự ATGT vận tải…
Bổ sung nội dung cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Ngày 12/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 24. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 2,5 ngày diễn ra phiên họp (từ 12 - 14/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm chắc chắn, thận trọng, kỹ lưỡng.
Trong đó, sẽ cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo tiến độ, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Dự án Luật này được chuẩn bị khá lâu, được dư luận xã hội quan tâm và cho đến nay, theo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thì đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm để các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để có chất lượng tốt nhất.

Được biết, sau khi tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới. Trong đó, có bổ sung nội dung cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tích hợp dữ liệu các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử và quy định rõ quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát...
Cụ thể, dự thảo Luật quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Đồng thời, chịu trách nhiệm trong quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ; trong quản lý vận tải đường bộ và quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Dự thảo Luật quy định, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô-tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Làm rõ quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định rõ, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Điều 55 Luật này để kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa, hành lý, giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.
Cảnh sát xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông theo quy định tại Điều 57 Luật này. Ngoài ra, được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.
Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm chấp hành việc dừng phương tiện và kiểm soát của lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm của người thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.
Một việc chỉ nên giao cho một Bộ làm và chịu trách nhiệm chính
Quan tâm đến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận: “Lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều ngành. Cho nên cần phải phân định rõ ràng, một việc chỉ nên giao cho một Bộ làm và chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, cần tăng cường quy chế phối hợp. Thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đây là những vấn đề đặt ra và cần đặc biệt quan tâm, bởi vì, lĩnh vực này sẽ phát sinh những tiêu cực, bất cập trong thực tiễn cho nên phải “số hóa”, kết nối dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông vận tải”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, trước đây, từng có quan điểm cho rằng, nên chuyển chức năng “quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe” từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an đảm nhiệm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã không đồng tình với quan điểm này. “Sau khi tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định rõ việc giao ngành Giao thông Vận tải quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đây là điều hợp lý. Tôi cho rằng, vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe không phải là lý do chính dẫn đến tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, nên giữ nguyên như hiện nay là giao Giao thông Vận tải quản lý để phát huy những yếu tố tích cực, ổn định; bởi vì lâu nay đã có sự đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất. Thực ra, những bất cập, tồn tại, yếu kém là do chúng ta buông lỏng trong thanh tra, giám sát chứ không phải là do chính sách đề ra hay là do ngành này, ngành kia quản lý”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần này nhằm khác phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thiên An