“Bệnh nan y” nợ bảo hiểm xã hội: Hệ thống pháp luật hiện nay không thể nào bất lực

28/07/2023 07:30

(NB&CL) Đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng “căn bệnh” chây ỳ, trốn nợ bảo hiểm xã hội không những không thuyên giảm mà ngày càng trở nên nhức nhối, không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Nỗi đau, nỗi bức xúc của người lao động đang khiến câu chuyện tìm thuốc đặc trị cho căn bệnh nan y này trở thành một trong những vấn đề đặc biệt cấp thiết, nóng bỏng hiện nay.

Đẩy người lao động vào tình cảnh khốn cùng

Bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, công nhân lâm vào cảnh khốn khó đủ đường - đó là những thảm cảnh chẳng khó tìm mà người lao động tại nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay. Báo Lao Động, trong một bài viết hồi tháng 6/2023, đã nêu thực trạng nhiều tháng nay, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH SY VINA (xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương) lâm vào cảnh khốn khó, chật vật khi bị nợ lương, nợ BHXH, khiến công nhân ở lại làm không được, xin việc ở công ty khác cũng không xong.

Bài viết dẫn câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nhàn - công nhân Công ty. Chỉ hơn 1 tháng nữa, chị sẽ sinh bé thứ 2 nhưng con đầu hơn 15 tháng chị chưa được hưởng chế độ thai sản. Chị mong doanh nghiệp đóng nốt phần BHXH nợ 2 năm qua của 2 vợ chồng để chị được chốt sổ và yên tâm sinh nở nhưng không biết mong mỏi ấy có thành hiện thực.

benh nan y no bao hiem xa hoi he thong phap luat hien nay khong the nao bat luc hinh 1

Hay như phản ánh của Báo Dân Việt, 4 năm dài kể từ năm 2019, 190 lao động của Công ty Cổ phần Dệt 19/5 bị công ty nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Chị Trịnh Thị Thuỳ Dương (SN 1985, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một những công nhân Chi nhánh Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội tại Hà Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chị Dương nằm trong số những công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất ở đây. Chị Dương kể, chồng chị mất từ năm 2019, một mình chị phải nuôi 3 con nhỏ ăn học. 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương. Thế nhưng tiền lương thấp, lại ăn theo sản phẩm nên tháng nhiều được 5-6 triệu đồng, tháng ít thì chỉ được hơn 4 triệu đồng. Điều này khiến cho cuộc sống của chị gặp muôn vàn khó khăn. Để lo toan cho cuộc sống, chị phải làm đủ công việc thời vụ. Sáng thì bán xôi, trưa chiều thì đi phụ hồ, tối đến lại đi rửa bát thuê cho nhà hàng.

“Có đợt con ốm, không còn một đồng trong túi để đưa con vào viện tôi đã phải đi vay. Tết đến cũng không có đồng nào sắm Tết”, chị Dương kể. Mong ước lớn nhất lúc này của chị là được công ty đóng hết BHXH để chị chốt sổ xin việc ở nơi khác, đồng thời mong công ty trả nợ tiền lương để có tiền trả nợ người thân và đi khám bệnh.

“Phải nhìn thực tế hoàn cảnh của người lao động bị doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc mới thấy hết những cơ cực, xót xa của họ. Hành vi vi phạm pháp luật khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động, đó là: Không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Những trường hợp này coi như tất cả các chế độ trước đó mà người lao động đáng được hưởng đều bằng không”, Phó ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐVN Lê Đình Quảng bức xúc.

Muôn vàn kiểu “trốn nợ” bảo hiểm xã hội

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 số nợ này là trên 9.500 tỷ đồng; năm 2017 trên 9.700 tỷ đồng; năm 2019 trên 10.000 tỷ đồng và năm 2020 trên 11.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 30% tổng số nợ. Tổng số tiền chậm đóng BHXH của các đơn vị bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

benh nan y no bao hiem xa hoi he thong phap luat hien nay khong the nao bat luc hinh 2

Công nhân một công ty tại quận Tân Bình, TP.HCM làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH.

Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cộng dồn đến hết năm 2022, số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu (tính đến cuối năm 2022). So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng.

Các hình thức nợ BHXH thì muôn hình vạn trạng, diễn ra cả ở doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Có hình thức nợ phát sinh (tức là có thời gian dưới 1 tháng), nợ chậm đóng - từ 1 đến 3 tháng. Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, các công ty nợ đóng BHXH từ 3 tháng trở lên thì đã tính là nợ kéo dài. Nhiều công ty lách luật chỉ nộp BHXH cho những người ốm đau thai sản nhằm tránh tranh chấp lao động tập thể nên những vụ việc nợ BHXH không được phanh phui, dẫn tới số nợ lớn dần, lên tới cả chục tỷ thậm chí trăm tỷ. Khi nhũng khoản nợ đã rất lớn, việc giải quyết lại càng khó khăn.

Tăng cường chế tài, tìm thuốc đặc trị để diệt trừ cho được bệnh “lờn thuốc”

Dễ dàng nhận thấy, số tiền chậm đóng BHXH tăng dần qua các năm, trong đó, số tiền chậm đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 34% tổng số chậm đóng, trốn đóng BHXH. Số tiền chậm đóng BHXH khó thu có xu hướng ngày càng tăng.

Nguyên do của tình trạng nợ chồng nợ này là bởi, rất nhiều người lao động vẫn âm thầm chịu thiệt mà không dám lên tiếng, vì sợ mất việc làm. Tiếp tục làm việc thì thu nhập không đủ sống, chuyển việc thì không được đóng nối BHXH; thậm chí muốn nghỉ chế độ sớm thì không chốt được sổ hưu do công ty nợ tiền bảo hiểm. Còn chuyện khởi kiện ra tòa án cũng không dễ bởi quá trình khởi kiện tốn nhiều thời gian, công sức, người lao động lại không am hiểu quy trình tố tụng nên gặp nhiều khó khăn, càng khó theo đuổi đến cùng để đòi quyền lợi cho mình… thế nên, DN được đà lấn tới, ngày càng “lờn thuốc”.

benh nan y no bao hiem xa hoi he thong phap luat hien nay khong the nao bat luc hinh 3

Người lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Vậy liều thuốc nào mới có thể đặc trị, diệt trừ được căn bệnh đã trở nên nan y này? Về vấn đề này, phần lớn các ý kiến đều cho rằng về lâu dài cần phải sửa Luật BHXH, tăng cường các chế tài đủ mạnh cho hành vi trốn, chậm đóng BHXH. 

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất bổ sung một số biện pháp xử lý trốn đóng BHXH. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế). Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Còn về việc xử lý hình sự DN nợ BHXH, báo Sài Gòn giải phóng dẫn lời ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Điều 216 của Bộ luật Hình sự đã có quy định xử lý hình sự đối với những đơn vị cố tình trốn đóng BHXH. Chính phủ đã giao Bộ Công an đánh giá việc thực hiện Điều 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về xử lý các DN trốn đóng BHXH. Trên cơ sở đánh giá để có đề xuất tới cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung các quy định. Tuy nhiên thực tế có những khó khăn khi thực hiện Điều 216.

“Chúng tôi đã lập, củng cố hồ sơ và chuyển sang cơ quan công an hơn 300 vụ việc. Nhưng trong hơn 300 vụ việc này, cơ quan công an các cấp tỉnh, huyện đã làm việc với các bên có liên quan (BHXH và DN) thì về cơ bản có một số DN đã nộp luôn số tiền chậm đóng hoặc trốn đóng, cho nên cơ quan công an không khởi tố nữa”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, cũng có một số trường hợp không thể khởi tố hình sự là do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán. Nguyên nhân do không thể xác định được rõ khái niệm thế nào là “cố tình trốn đóng BHXH”. “Có những DN trả lời rằng tôi chưa đóng chứ không phải cố tình không đóng”, ông Sơn nêu thực trạng và đề nghị cần vá những kẽ hở để DN không lợi dụng lách luật, trốn đóng BHXH do quy định chưa chặt chẽ.

Về vấn đề này, có lẽ xin được mượn lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Không thể nói không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH vì tiền này đã trừ vào lương của người lao động. Đồng thời, hoàn toàn có cơ sở giải quyết và phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát khi để tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục năm nay mà không làm gì được. “Hệ thống pháp luật hiện nay không thể nào bất lực, không thể xử lý tình trạng này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lên tiếng.

Anh Thư