Xe dù, bến cóc: Bao giờ tìm được thuốc đặc trị?
(CLO) Tình trạng xe dù, bến cóc từ lâu đã trở thành căn bệnh nan y, chưa có thuốc đặc trị. Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, tuy nhiên, tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn còn tiếp diễn và ngày càng phức tạp.
Xe dù, bến cóc tung hoành kéo theo hàng loạt hệ lụy
Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe khách đang lao vun vút trên đường thì bất ngờ chuyển hướng đi sát vào lề đường để đón trả khách tại những tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe lớn, trục giao thông cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội.
Anh Hùng (trú tại quận Bắc Từ Liêm) bức xúc, mỗi khi đi trên đường chỉ cần nghe tiếng còi xe ô-tô khách là biết luôn. Tiếng còi to bấm liên hồi, đặc biệt khi xe tạt vào lề đường để đón khách hay bốc xếp hàng hóa. Dù đang đi bình thường đôi khi cũng phải giật mình và giảm tốc độ hoặc thậm chí là dừng hẳn để bảo đảm an toàn.

Việc người dân bắt xe khách trên đường cao tốc không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với các phương tiện khác.
Nhiều xe còn vô tư lạng lách, đi kiểu bất chấp để kịp giờ, kịp chuyến. Cùng với đó là hàng loạt dịch vụ ăn theo, lấn chiếm vỉa hè như quán nước, xe ôm, xe công nghệ, taxi luôn túc trực tại các bến cóc này để sẵn sàng phục vụ hành khách từ trên xe bước xuống gây ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc nhất là trong khung giờ cao điểm.
Ngoài đón trả khách tại khu vực nội thành, nhiều xe khách còn ngang nhiên đón khách trên đường cao tốc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
Theo ông Lê Đức Bình - Đội trưởng Đội vận hành số 1 (Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), qua công tác tuần tra thường xuyên trên tuyến, khó khăn nhất của đơn vị là thực trạng mất an toàn giao thông trên cao tốc. Đáng chú ý tình trạng người dân xé rào đi vào cao tốc đón xe khách vẫn xảy ra khá phổ biến.
Ông Nguyễn Văn Nhi - Giám đốc Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc (Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) đánh giá, hành vi này rất nguy hiểm. Thống kê cho thấy, hằng năm tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn xảy ra 1 - 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ.
Người dân tuyệt đối không vì một tí tiện ích của mình mà xâm nhập vào đường cao tốc trái phép, dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho chính mình và người khác; gây khó khăn cho các tài xế tốc độ cao trên tuyến cao tốc, ông Nguyễn Văn Nhi khuyến cáo.
Về phía đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải bày tỏ, một xe 45 chỗ xuất bến đầu tuyến Hải Phòng phải chi phí khoảng 200.000 đồng cho bến xe phía Hải Phòng, khoảng 300.000 đồng cho bến xe đầu Hà Nội.
Các xe chạy dù không mất chi phí đầu bến cũng như các chi phí như thuế, lại chạy đón khách ở những điểm nội đô, ngay từ cổng bến nên đã vợt hết khách của các xe đỗ trong bến. Điều này gây ra tình trạng bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô.
Trao đổi với PV, đại diện một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa bày tỏ, tình trạng xe bỏ bến chạy dù, xe trá hình, hoạt động đã khiến thị phần của các xe tuyến cố định giảm một nửa. Nhiều xe tuyến cố định thậm chí còn bỏ ra ngoài để “chạy dù”.
Để vào bến, đơn vị vận tải tuyến cố định còn mất thêm chi phí phòng vé, xe ra vào bến, phơi lệnh, tăng cường nhân viên hướng dẫn khách di chuyển trong bến, tăng thêm phương tiện để trung chuyển hành khách từ bến xe vào nội thành.
Dù vậy giá vé tuyến cố định không cao hơn các loại xe dù, xe trá hình, thậm chí, việc thay đổi giá vé mỗi dịp biến động còn phức tạp, kê khai đủ thứ để được xét duyệt.
Tháo gỡ bất cập, xử lý vi phạm một cách đồng bộ
Thực tế có cầu ắt sẽ có cung, tâm lý hành khách không muốn di chuyển quãng đường xa đến bến xe đã khiến xe dù, bến cóc càng thêm nở rộ để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Ngày 14/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định số Quyết định 711/QĐ-BGTVT về điều chỉnh Danh mục mạng lưới vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để đánh giá hiệu quả vẫn cần có thời gian để kiểm chứng.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định tại Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô không còn phù hợp. Các điều kiện, quản lý đối với vận tải khách theo tuyến cố định đang quá chặt chẽ, trong khi vận tải khách theo hợp đồng lại lỏng lẻo.

Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở để dẹp nạn xe dù, bến cóc.
Vì thế, cần mở rộng quyền chủ động cho các đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định và bến xe, nhất là về việc tăng giảm tần suất chạy xe trên tuyến để phù hợp cung cầu thị trường. Cho phép các đơn vị tuyến cố định được xác định hành trình và vị trí các điểm dừng đón, trả khách ở những vị trí phù hợp.
Nói về nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại, phát triển, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân tích, chúng ta tổ chức và bố trí các bến xe tương đối xa khu vực người dân đang sinh sống. Trong khi đó, giao thông công cộng lại chưa kết nối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân đi lại.
Đáng nói rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... không quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách dẫn đến tình trạng người dân lựa chọn xe dù cho thuận tiện với nhu cầu của mình.
Mặt khác, trong Nghị định 86 và mới đây là Nghị định 10 đang thiếu quy định là các địa phương phải quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải công cộng.
Do đó về giải pháp để chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, mỗi địa phương cần xem xét lại quy hoạch bến bãi, quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón, trả khách hiện nay. Người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực thi pháp luật.
Cùng với đó cần khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để “trong chừng mực nào đó chúng ta xác định được vi phạm để xử lý”. Lực lượng tại chỗ, cảnh sát trật tự, công an phường, xã, thanh tra giao thông phải làm mạnh việc kiểm tra thực hiện quy định pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải thì sẽ giảm bớt được rất nhiều.
Thế Anh