Bá Thước (Thanh Hóa): Tạm giữ xe ô tô vận chuyển gần 9m3 gỗ Sa Mu chưa rõ nguồn gốc
(CLO) Chiều ngày 12/9, một lãnh đạo UBND huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước đang tạm giữ một xe ô tô vận chuyển gần 9m3 gỗ Sa Mu.
Theo đó, vào sáng ngày 9/9/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước nhận được nguồn tin báo của nhân dân trên tuyến đường 15C từ huyện Mường Lát về huyện Bá Thước có xe ô tô BKS: 36C – 42161 vận chuyển lâm sản.

Chiếc xe chở gỗ Sa Mu đang bị tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước. Ảnh: Quang Thắng.
Tiếp nhận tin báo, chỉ huy Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước đã tăng cường lực lượng kiểm soát đón lõng phương tiện khi đang di chuyển, dùng hiệu lệnh dừng phương tiện để tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra ban đầu tại hiện trường ở thôn Chảy Kế, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện trong thùng xe ô tô BKS: 36C – 421.61 có vận chuyển lâm sản với số lượng 173 tấm gỗ xẻ Sa Mu, nhóm I, thông thường, khối lượng = 8,925 m3.
Kiểm tra ban đầu cho thấy, người điều khiển phương tiện BKS 36C- 421.61 có tên là Trần Văn Dũng và người được cho là chủ lâm sản có tên là Đặng Danh Trung, địa chỉ: thôn Châu Tử, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Tại thời điểm kiểm tra lâm sản, ông Đặng Danh Trung được cho là chủ lâm sản đã xuất trình hồ sơ lâm sản, gồm: 01 Biên bản kiểm tra lâm sản lập ngày 22/8/2023; 02 Bảng kê lâm sản lập ngày 22/8/2023 và 8/9/2023; 01 Giấy mua bán ngày 8/9/2023; 01 Hồ sơ lâm sản gỗ nhập khẩu của Công ty cổ phần Mười Linh Hiếu.
Qua kiểm tra, đối chiếu số lượng gỗ Sa Mu có thực tế trên xe và trong bảng kê lâm sản thì có sự chênh lệch, không trùng khớp. Dó đó, Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước đã lập biên bản và yêu cầu người điều khiển, chủ lâm sản đưa xe và toàn bộ số gỗ trên xe về Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước để xác minh nguồn gốc gỗ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua tra cứu cho biết, Công ty cổ phần Mười Linh Hiếu có địa chỉ tại số nhà 25, ngõ 2A, đường Nguyễn Du, khối 15, phường Bến Thủy, Tp Vinh, tỉnh Nghệ An, do ông Phạm Ngọc Mười là người đại diện pháp luật.
Nguồn gốc lâm sản và vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Gỗ Sa Mu hay còn được nhiều người gọi là Sa Mộc, tên khoa học của loại gỗ này là Cunningham. Sa Mu hiện đang được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thuộc nhóm I. Đây là loài cây thuộc họ Bách, họ cây lấy gỗ mọc tự nhiên như Bách thường có từ 27 đến 30 chi và khoảng 130 – 140 loại trải dài khắp nơi trên toàn thế giới.
Quang Thắng