Người dân chưa có thói quen sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ khi đi ô tô: Nguy hiểm cận kề
(CLO) Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô. Theo nghiên cứu từ năm 2021 đến nay cho thấy có tới 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Ngày 26/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô” do Uỷ ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển Cộng đồng (CHD) và Quỹ thương vong Châu Á (Quỹ AIP) tố chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 1.800km cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120km/h, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90km/h.

“Trong bối cảnh nhiều ô tô hơn, nhiều đường cao tốc, quốc lộ tốt bên cạnh mặt tích cực nhưng về mặt an toàn nổi lên một số vấn đề trong đó có việc bảo vệ trẻ em khi chưa có thiết bị bảo vệ an toàn trên các ô tô. Trên thực tế, dây an toàn của người lớn trên xe ô tô chưa phát huy tác dụng đối với trẻ em”, ông Minh thông tin.
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Đến hiện tại, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn, vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô.
PGS. TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, ĐH Y tế Công cộng cho biết sự gia tăng nhanh chóng của sở hữu ô tô ở Việt Nam tăng, trong đó trẻ em được bố mẹ đưa đến trường bằng xe con cũng gia tăng.
Khảo sát 472 trẻ em từ 9-15 tuổi trước đại dịch Covid-19, số trẻ em đi học bằng ô tô chiếm tỷ lệ 9%, sau Covid- 19 đã tăng lên 11%. Trong khi đó, xu hướng các gia đình trẻ chọn sống bên ngoài thành phố và di chuyển quãng đường xa.
Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, hiện nay, tình trạng trẻ em ngồi ghế trước ô tô khá phổ biến. Một nghiên cứu của Trung tâm được thực hiện từ năm 2021 đến nay cho thấy có tới 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Tuy nhiên, người dân chưa có thói quen sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Cụ thể, thống kê cả nước cho thấy mới chỉ có 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó 2,6% ô tô ở Hà Nội có sử dụng thiết bị an toàn, tại TP. HCM 1,1% xe trang bị thiết bị còn tại Đà Nẵng tỷ lệ này chỉ chiếm 0,0%.
Điều này rất nguy hiểm khi không may xe gặp tai nạn. Cụ thể, ngày 24/2/2021, một tô tô 7 chỗ khi xuống dốc đã va chạm trực diện vào lan can bê tông. Vụ tai nạn khiến 4 người trong gia đình trên xe bị thương nặng. Dù được đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng (TP Bảo Lộc) cấp cứu ngay sau đó nhưng do bị thương quá nặng, cháu L.T.H (7 tổi) đã tử vong trên đường.
Tại Điều 9 khoản 3, Dự thảo Luật trật tự An toàn giao thông đường bộ (tháng 8/2023) đã đề xuất “trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề xuất này là một bước tiến lớn so với hiện nay và rất đúng đắn nhưng mới bảo vệ được cho nhóm trẻ em từ 0-4 tuổi.

PGS. TS Phạm Việt Cường cho rằng điều này đồng nghĩa với nhóm trẻ em từ 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất khi tham gia giao thông bằng ô tô theo dự thảo này.
Xét về góc độ bảo vệ trẻ em, căn cứ vào cân nặng và chiều cao của trẻ em Việt Nam từ 1- 12 tuổi theo chuẩn WHO, Việt Nam hoàn toàn có thể áo dụng theo khuyến nghị của WHO về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trong đó sử dụng tiêu chí chính là chiều cao dưới 1m35.
PGS.TS Phạm Việt Cường kiến nghị, trẻ em cao dưới 1m35 và dưới 12 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Trẻ em cao dưới 1m35 và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế của người lái xe. Người lái xe ô tô cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy tắc này.
Cần có quy định về quản lý chất lượng Thiết bị an toàn “Đơn cử như luật mũ bảo hiểm, giờ người ta ra đường phải đội mũ rồi, nhưng mà đầy người dùng mũ bảo hiểm đểu, thậm chí va chạm còn nặng hơn. Mình nghĩ TBAT cũng thế, mình cần thực hiện đồng bộ thì mới đảm bảo an toàn.” - PGS.TS Phạm Việt Cường nói.
Bà Trần Xuân Hằng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng cần phải bổ sung các quy định liên quan đến thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông.
Theo đó, ngoài các kiến nghị của TS. Cường, bà Hằng cũng kiến nghị ô tô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Đối với trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em.
Nên cần sớm có qui định pháp luật: Bắt buộc sử dụng TBAT với các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm. Quy định độ tuổi trẻ em (<12) không được ngồi ghế trước. Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật TBAT trên xe ô tô (chốt ghế/đệm an toàn và hướng dẫn).