Bài 3: Những trái ngọt đầu mùa

30/09/2023 10:00

(CLO) Sau khi có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Bài liên quan

Bài 1: Nghị quyết tiền đề thể hiện quyết tâm

Bài 2: Khó khăn lớn, quyết tâm cao

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã hết sức quan tâm, tích cực đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục tích hợp nội tỉnh LGSP kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã.

bai 3 nhung trai ngot dau mua hinh 1

Công an TP Sầm Sơn hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID

Chuyển đổi số tại Thanh Hoá bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực như cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao;...

Trên cơ sở các chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số về Ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023; Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ của Tỉnh và được Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch số 100/KH-BCĐ ngày 26/4/2023 về kế hoạch hoạt động năm 2023.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện; cơ bản hoàn thành 11/43 chỉ tiêu; còn lại 32/43 chỉ tiêu đang được triển khai; kết quả được thể hiện tại phụ lục 2 gửi kèm theo.

Đối với nhiệm vụ Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao cho tỉnh Thanh Hóa năm 2023; đến nay, đã hoàn thành việc phê duyệt phương án đảm bảo an toàn thông tin theo hồ sơ cấp độ cho 856 đơn vị, gấp 17,8 lần so với năm 2022 (48 đơn vị) và là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin.

Hiện, Thanh Hoá đang phối hợp triển khai mô hình “3 Không - Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công, Không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu, Không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền” trong chuyển đổi số tại 5 xã/phường…

bai 3 nhung trai ngot dau mua hinh 2

Khu di tích lịch sử Lam Kinh triển khai mô hình chuyển đổi số

Tại Thành phố Thanh Hóa đã triển khai mô hình chính quyền “ngày không bút”; mô hình chợ không dùng tiền mặt tại chợ Điện Biên, chợ Quảng Thắng; triển khai mô hình “Thôn thông minh” tại xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa; xã Định Long, huyện Yên Định; huyện Đông Sơn triển khai mô hình đưa sản phẩm nông sản lên sàn gắn truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt; xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa; xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân.

Bên cạnh đó, một số địa phương triển khai mô hình “Camera với an ninh trật tự” tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy; tổ chức Hội nghị tư vấn cho các doanh nghiệp về lựa chọn các giải pháp, quy trình thực hiện chuyển đổi số; tổ chức lễ ra mắt mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Để đáp ứng được những mục tiêu đề ra, từ năm 2021 đến nay, Thanh Hoá đã tổ chức tập huấn cho 100% thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp; bồi dưỡng kỹ năng số cho gần 4.700 thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng và 2.510 học viên là cán bộ công chức cấp xã; tập huấn, tư vấn các mô hình chuyển đổi số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh cho trên 2.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn.

bai 3 nhung trai ngot dau mua hinh 3

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hoá góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đến nay, Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hoá cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến một phần (giảm 395 dịch vụ so với năm 2020) và 727 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tăng 550 dịch vụ so với năm 2020). Tính riêng từ năm 2022 đến ngày 10/8/2023, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận gần 1,52 triệu hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 98%, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục duy trì trong nhóm cao về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (xếp thứ 15/63), trong đó, một số chỉ tiêu thành phần có tăng mạnh, như: Nhận thức số (xếp thứ 1), Hoạt động xã hội số (xếp thứ 3), An toàn thông tin mạng (xếp thứ 6).

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí chuyển đổi số cấp xã (tháng 5/2023); đến nay, có 94 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số, dự kiến hoàn thành các tiêu chí trong năm 2023.

Có thể thấy, kết quả bước đầu về công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa thể hiện quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

Hà Anh