Kinh tế 9 tháng của cả nước có những diễn biến tích cực mới
(CLO) Trả lời phỏng vấn của Báo Nhà báo và công luận về các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Chính phủ cần khuyến khích các phương thức đầu tư và mô hình kinh doanh mới, phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư.
- Trong bối cảnh, tình hình quốc tế phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, trong nước những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm lại bộc lộ rõ hơn trong khó khăn, nhờ đâu mà nền kinh tế phục hồi, theo bà?
TS Nguyễn Thị Hương: Kết quả kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023 cho thấy những tín hiệu tích cực về sự bứt tốc của kinh tế Việt Nam. Có được kết quả đó là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước. Và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết những vướng mắc về thể chế, chính sách một cách quyết liệt và mạnh mẽ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: L.C
Một số điểm nhấn nổi bật đó là: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản (Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP): Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định 12) và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 58); xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (Nghị quyết 30 và Nghị định 07); Thực hiện giảm 2% thuế suất VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15; Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH (Nghị định 42/2023/NĐ-CP); Cấp thị thực điện tử (Nghị quyết số 127/NQ-CP) giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và là đòn bẩy giúp cho ngành du lịch phát triển.
Đặc biệt, Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương được ban hành cấp thiết, đúng thời điểm, được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tạo nên yếu tố phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Từ đó có thể khẳng định, các chính sách mà Chính phủ ban hành trong những tháng vừa qua của năm 2023 là những hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh từ những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Những biện pháp này sẽ tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, kích cầu tiêu dùng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo.

Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tốt. Ảnh: TTXVN.
- Xin bà cho biết hiệu quả từ các chỉ đạo của Đảng, từ các nghị quyết, chính sách, giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra thể hiện như thế nào qua các số liệu kinh tế - xã hội ?
TS Nguyễn Thị Hương: Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua đã thấy rõ kết quả từ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng cùng nỗ lực của toàn dân.
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
GDP trong quý III năm 2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 3,28% của quý I và hơn 4,05% của quý II. Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng tốt, đạt 3,43% trong 9 tháng năm 2023, tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ, tháng 9 tăng 0,1% so với tháng trước, 9 tháng tăng 0,3% nhưng đã thể hiện rõ sự phục hồi. Đây là điểm sáng nổi bật trong hoạt động sản xuất công nghiệp của nước ta từ đầu năm đến nay khi lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương (lũy kế các tháng từ đầu năm đều giảm), cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...
Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá (9 tháng tăng 6,32%). Chính sách xúc tiến du lịch đã phát huy hiệu quả, đã có 8,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, qua 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành giảm từ 0,5-2,0%/năm. Tăng trưởng tín dụng được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hướng vào các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực ưu tiên.
Dưới góc độ sử dụng, tiêu dùng của dân cư quý III/2023 tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý 1 (2,97%) và quý 2/2023 (2,41%), cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng tăng lên nhờ thu nhập tăng. Đời sống dân cư vẫn duy trì ổn định do có đóng góp của một số chính sách mới có hiệu lực.
- Để thực hiện kết luận ”cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng” của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, theo bà cần những giải pháp gì?
TS Nguyễn Thị Hương: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước hết vẫn là ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, duy trì niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào các chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ.
Đồng thời cần khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới.
Song song với đó là việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng phải mạnh mẽ hơn nữa. Tiếp đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế... cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi... Sớm tháo gỡ các vướng mắc của các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn...
Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh. Sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu nhằm ổn định sản xuất, kích thích tiêu dùng.
Chúng ta cũng nên định hướng hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, tăng cường các khâu kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo các quy định và các biện pháp WTO cũng như thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng hàng hoá đầu vào, loại bỏ những mặt hàng có chất lượng kém, không phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam. Tận dụng tốt các FTA đã ký, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới.
Bên cạnh đó, là thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế…
- Xin trân trọng cảm ơn bà!