Hà Nội tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp

17/10/2023 17:37

(CLO) Ngày 17/10, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội.

Phiên giải trình nhằm mục đích giám sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội; phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

ha noi tim giai phap khac phuc tinh trang thieu truong thieu lop hinh 1

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: HNM

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Thường trực HĐND thành phố quyết định lựa chọn nhóm vấn đề giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội. Đây là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết, đang được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và được dư luận, cử tri, nhân dân rất quan tâm.

Theo báo cáo của UBND thành phố và qua giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND thành phố, đến nay, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố mới đạt 72,7%, trong khi theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, đến năm 2025 sẽ đạt 80-85%. Một số trường chuẩn quốc gia gặp khó khăn trong việc bảo đảm, duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn; một số trường học thuộc khu vực nội thành có sĩ số học sinh/lớp cao, vượt quy định; nhiều trường học thiếu diện tích đất, khu sân chơi, bãi tập; trường thuộc khu vực ngoại thành thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp học, phòng bộ môn, thiết bị và đồ dùng dạy học. Hằng năm, số lượng trường cần công nhận mới và công nhận lại rất lớn, trong khi việc tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, cần có các giải pháp để tháo gỡ.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, dân số cơ học tăng nhanh nên dù đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành.

Vấn đề quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây dựng trường công lập; thu hồi các dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai để bố trí xây dựng trường công lập; dành quỹ đất sau di dời để xây dựng trường công lập đã được Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố giám sát nhiều kỳ nhưng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.

“Xuất phát từ mục đích, yêu cầu đó, trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức khảo sát, làm việc với các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan và thông qua buổi giải trình hôm nay chúng tôi sẽ tổng hợp, làm rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố”, bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Căn cứ kết quả giải trình của các sở, ngành, quận, huyện và phương hướng, lộ trình, giải pháp; Thường trực HĐND thành phố sẽ thông qua kết luận phiên giải trình, tổ chức giám sát việc thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội góp phần xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm giáo dục đào tạo của cả nước và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô. 

PV