Giải ngân đầu tư công chậm: Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm

18/10/2023 18:09

(CLO) Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân của đơn vị và kết quả giải ngân vốn là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm.

Ngày 18/10, Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và Phát triển kinh tế: Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo chuyên đề “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chủ trì là một trong những nội dung quan trọng.

Giải ngân đầu tư công còn chậm

Tại Hội thảo, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những số liệu về giải ngân đầu tư công.

Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt khoảng 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2023 là 363.310,571 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) đã giải ngân trong 09 tháng đầu năm 2022, trong đó: vốn trong nước là 355.374,7 tỷ đồng (đạt 52,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao19), vốn nước ngoài là 7.935,9 tỷ đồng (đạt 28,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

giai ngan dau tu cong cham nguoi dung dau cac bo nganh dia phuong chiu trach nhiem hinh 1

Hội thảo chuyên đề “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chủ trì là một trong những nội dung quan trọng.

Số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 49.470,216 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tính riêng trong tháng 9, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng, trung bình 09 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/tháng.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%); Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%); Hội Luật gia Việt Nam (69%); Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,1%), Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa – Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%).

Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông vận tải (55.917,229 tỷ đồng), TP Hà Nội (25.251,634 tỷ đồng), TP Hồ Chí Minh (21.987,257 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (13.396,6 tỷ đồng), Bình Dương (11.120 tỷ đồng), TP Hải Phòng (10.859.265 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (8.798,176 tỷ đồng), Long An (8.269,536 tỷ đồng) là những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cao nhất cả nước.

Tính theo phân cấp đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của các địa phương cao hơn các bộ, cơ quan trung ương23, trong đó nổi bật là các tỉnh ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao như Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh...; Đồng bằng sông Hồng có TP Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc...

Giải ngân chậm vì nhiều vướng mắc

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã chỉ ra hàng loạt vướng mắc khiến giải ngân hàng đầu tư công chậm chạp.

giai ngan dau tu cong cham nguoi dung dau cac bo nganh dia phuong chiu trach nhiem hinh 2

Các diễn giả trong Hội thảo chuyên đề “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán”.

Một số vướng mắc chủ yếu có thể kể đến như: Một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công và pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động đầu tư công; Do đặc thù khó khăn riêng của từng năm kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Công tác đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, nhiều dự án đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất không có nguồn để triển khai; Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch; Công tác giao kế hoạch chậm; Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc.

Trong đó, vướng mắc liên quan đến bộ, ngành và địa phương được ông Phương nhắc tới nhiều lần.

Tóm lại, ông Phương khẳng định nguyên nhân là rất đa dạng, mỗi một bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

“Qua đó, bài học rút ra là một mặt, các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đây là tiền thuế đóng góp của người dân, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật”, ông Phương nhấn mạnh.

Mặt khác, để giải quyết vấn đề giải ngân chậm, cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân hàng đầu tư công. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là quy trách nhiệm.

Theo ông Phương, cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách: người đứng đầu từng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.

Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả, thiết thực (thay đổi tư duy có vốn về mới làm công tác chuẩn bị đầu tư); xử lý ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý, không chờ đợi; nêu rõ vướng mắc ở đâu, thuộc trách nhiệm của ai, không nói chung chung.

“Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân của đơn vị và kết quả giải ngân vốn là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương kiến nghị.

Hoàng Tú